Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng tám thành công (19/08/1945) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945) các hoạt động diễu binh, diễu hành cùng nhiều hoạt động nghệ thuật khác như hòa nhạc, bắn pháo hoa ... sẽ được diễn ra trong suốt ngày thứ 4, mùng 2/9 tới đây tại thủ đô Hà Nội. 

Nhiều người có sự phân vân giữa các khái niệm diễu binh, duyệt binh và diễu hành. Theo ý kiến của Trung Tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu I (trích dẫn từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học) ba khái niệm trên có sự khác nhau cơ bản như sau: 

-  Duyệt binh là kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng.

Lễ duyệt binh trước quảng trường Ba Đình

Lễ duyệt binh trước quảng trường Ba Đình.

- Diễu binh là lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh.

- Diễu hành là đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh.

Một quốc gia có thể chỉ tổ chức lễ duyệt binh hoặc diễu binh, diễu hành tuy nhiên cũng có thể tổ chức cả duyệt binh và diễu binh, diễu hành trong cùng một sự kiện.

Chúng ta có thể hiểu nôm na rằng, nếu sự kiện đó tổ chức cả duyệt binh và diễu binh, diễu hành thì lực lượng vũ trang sẽ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình trước sự chứng kiến của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng sau đó lực lượng diễu binh, diễu hành sẽ đi đều ở các tuyến phố để biểu dương sức mạnh.

Vì vậy, sự kiện này có ý nghĩa lớn lao và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Lễ diễu binh có sự tham gia của các lực lượng khác ngoài quân sự.

Lễ diễu binh, diễu hành  có sự tham gia của các lực lượng khối dân sự.

Nguyên Tư lệnh Quân khu I cũng chia sẻ, tại Việt Nam, diễu binh, diễu hành là sự tham gia của các vũ trang bao gồm cả quân đội, công an, dân quân, và các khối dân sự như công nông, trí thức. Diễu binh và diễu hành thường đi đôi với nhau trong đó khối hồng kỳ và quân sự đi trước, các khối dân sự đi sau.

Trong diễu binh khối quân sự chủ yếu được trang bị vũ khí, khí tài cá nhân. Tác dụng chủ yếu là biểu dương lực lượng mang tính quần chúng. Bên cạnh vũ khí, khí tài cá nhân còn các trang thiết bị của các quân binh chủng như xe tăng, pháo, thiết giáp, máy bay…

Trong khi đó các lễ duyệt binh hầu như chỉ có sự tham gia của các khối quân sự thuộc nhiều quân binh chủng, nhằm biểu dương sức mạnh quân sự và tiềm lực quân sự của quốc gia.

 

 

Theo Nguoiduatin