Phá nhiều vụ buôn bán salbutamol

Bộ Công an ngày 9/12 cho biết vừa phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT triệt phá đường dây mua bán chất tạo nạc (salbutamol) do ông Trần Văn Bùi (39 tuổi; Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản E-Birds; trụ sở tại phường 3, quận Bình Thạnh, TP HCM) tổ chức.

Ông Bùi, Võ Văn Thanh (26 tuổi, quê Tiền Giang) và Trần Công Đại (40 tuổi, quê Quảng Nam) đang bị công an tạm giữ để điều tra do liên quan đến đường dây này.

Qua trinh sát, C49 phát hiện tại quận Bình Thạnh có đường dây cung cấp chất tạo nạc cho nhiều hộ chăn nuôi ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Sau 2 tháng theo dõi, ngày 8/12, các trinh sát C49 bắt quả tang Thanh đến nhà của ông Bùi mua 2 kg salbutamol để bán lại cho một người ở quận 5.

Từ lời khai của Thanh, cơ quan chức năng kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Thủy sản E-Birds và thu giữ nhiều hóa chất, phụ gia để sản xuất thuốc dành cho việc nuôi trồng thủy sản.

Tại đây, các trinh sát còn phát hiện 1 thùng nhựa chứa 17,5 kg salbutamol. Cùng thời điểm này, tại phường 15, quận Tân Bình, lực lượng C49 bắt quả tang Đại bán 0,5 kg salbutamol cho một người. Ông Đại thừa nhận lấy chất cấm này từ công ty của ông Bùi về bán lại kiếm lời.

Chiều 8/12, C49 đột kích Công ty TNHH Minh Anh - MIANCO (trụ sở tại 272/17 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM) bắt quả tang nhân viên đang pha trộn chất tạo nạc để cung cấp cho ông Bùi.

Theo thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Phó trưởng Phòng 5 - C49, ông Bùi khai nhận mua salbutamol với giá 5 triệu đồng/kg, bán lại cho các “đầu nậu” 6 triệu đồng/kg. Thanh thừa nhận mua salbutamol của ông Bùi rồi bán lại với giá 7 triệu đồng/kg.

Trong đêm 8 và rạng sáng 9-12, các trinh sát C49 còn bắt giữ Nguyễn Thế Hậu (37 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) và Lê Minh Tuấn (48 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) khi đang mua 5 kg salbutamol từ một công ty khác ở TP HCM.

Thùng phuy đựng chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng) được C49 phát hiện trong nhà bếp của Công ty TNHH thủy sản Seabird do ông Trần Văn Bùi làm giám đốc - Ảnh: Hoàng Lộc.

Thùng phuy đựng chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng) được C49 phát hiện trong nhà bếp của Công ty TNHH thủy sản Seabird do ông Trần Văn Bùi làm giám đốc - Ảnh: Hoàng Lộc.

Vì sao chưa công khai danh tính các doanh nghiệp nhập chất Salbutamol?

Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xác nhận, cơ quan này cũng đang phối hợp với Cục cảnh sát môi trường (C49) tiến hành xác định và đang điều tra làm rõ một số công ty dược có hành vi buôn bán chất Salbutamol chưa đúng mục đích sử dụng.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT hiện miền Bắc có khoảng 10 doanh nghiệp nhập Salbutamol, miền Nam cũng có khoảng trên dưới 8 doanh nghiệp nhập Salbutamol. Trong đó, có một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhập khối lượng lớn đến cả ngàn kg chất Salbutamol.

Tổng cục Hải quan khẳng định: 9 tháng năm 2015, số nguyên liệu Salbutamol nhập vào Việt Nam là 4,6 tấn (trị giá 330 ngàn USD). Ngoài ra, còn một loại mã hàng hóa khác được gọi tên là “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số rất lớn: 1,9 triệu bao, với trị giá lên tới 9,8 triệu USD.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT đang giới thiệu về 2 gói chất tạo nạc.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT đang giới thiệu về 2 gói chất tạo nạc.

Mặc dù công bố là vậy nhưng cơ quan chức năng cho rằng đang tiến hành kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp tại Hà Nội nhập nguyên liệu Salbutamol nhiều hơn so với giấy phép.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, đã biết có khoảng 10 doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Nam khoảng 8 doanh nghiệp nhập Salbutamol nhưng vì sao chưa công bố rõ danh tính các doanh nghiệp này nhập về làm gì, sử dụng cho việc gì và có biện pháp xử lý ra sao nếu sai phạm.

Theo một chuyên gia, việc nhập chất Salbutamol thuộc quản lý của Bộ Y tế và đến nay bộ này vẫn chưa công bố các doanh nghiệp nhập chất này. Hiện PV đã liên hệ với Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế để làm rõ tuy nhiên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi lại.

Qua tìm hiểu được biết, chất Salbutamol - chất tạo nạc, chất tăng trọng thuộc nhóm beta agonist, thường sử dụng để kích thích tăng trọng hay còn gọi là chất tạo nạc. Hiện chất này bị cấm dùng trong chăn nuôi do có thể gây biến chứng ung thư, nguy hiểm với người tiêu dùng.

Chất này được nhập từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu là nhập từ Ấn Độ với giá chỉ khoảng 100 USD/kg. Hàng về Việt Nam bán ở mức giá 2,5 triệu đồng/kg.

Nhưng qua đầu nậu, giá bán đã lên tới trên 8 triệu đồng/kg. 1kg chất Salbutamol có thể pha được với 10 tấn thức ăn chăn nuôi. Hiện cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện được chất này dùng cho chăn nuôi heo. Khi heo ăn thức ăn có Salbutamol, sẽ tăng trọng nhanh, nhiều nạc./.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam