Thực hiện Kế hoạch giám sát chủ động mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2015, Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai lấy giám sát chủ động và phát hiện sản phẩm bắp non, đậu hoà lan (hà lan) do cơ sở Nguyên Thảo (Địa chỉ tại A4/11A Vĩnh Lộc, Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) không đạt về chỉ tiêu Natri Benzoate.

Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm và xử lý nghiêm kết quả vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở trên (Công văn số 1761/ATTP – NĐ ngày 29/7 /2015 và công văn số 7743/ATTP – NĐ ngày 11/ 12/2015).

Theo báo cáo số 57/BC – KTLN ngày 11/1/2016 của Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hồ Chí Minh, kết quả thanh tra, kiểm tra về  an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến thực phẩm Nguyên Thảo như sau:

Cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy gia hạn chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm Bắp non, Đậu hoà lan do cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh cấp.

Cơ quan chức năng vừa phát hiện mẫu đậu hà lan và bắp non có phẩm màu vượt ngưỡng.

Cơ quan chức năng vừa phát hiện mẫu đậu hà lan và bắp non có phẩm màu vượt ngưỡng.

Nhãn sản phẩm bắp non, đậu hoà lan còn một số vi phạm như ghi dư câu “Hàm lượng kim loại và vi sinh theo 867/QĐ – BYT”, ghi thiếu năm của số công bố chất lượng, chất bảo quản Natri Benzoate (211).

Điều kiện vệ sinh cơ sở vật chất như khu vực sản xuất, đóng gói, kho nguyên liệu và kho thành phẩm còn tình trạng nền đọng nước và trần chưa được vệ sinh định kỳ; thành phẩm để trực tiếp dưới sàn nhà; đóng màng co và dán nhãn sản phẩm trực tiếp dưới nền nhà; thiếu các phương tiện rửa và khử trùng, thiếu thiết bị phòng chống côn trùng.

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu bắp non (ngày sản xuất 10/07/2015) và đậu hoà lan (ngày sản xuất 5/8/2015) theo cảnh báo để kiểm nghiệm cho thấy: Sản phẩm bắp non sử dụng màu Tartrazine khi chưa công bố, sử dụng chất bảo quản Natri Benzoate vượt ngưỡng (2557 mg/kg); sản phẩm đậu hoà lan sử dụng màu Tartrazine và Brilliant khi chưa công bố, sử dụng chất bảo quản Natri Benzoate vượt ngưỡng (1632 mg/kg).

Đoàn đã hướng dẫn cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở, vệ sinh theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu cơ sở thu hồi toàn bộ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường và thực hiện giám sát xử lý đối với các sản phẩm không đạt. Theo hướng dẫn và giám sát của đoàn kiểm tra, cơ sở đã thực hiện tiêu huỷ 1040 kg đậu hoà lan và bắp non, thu hồi được 4 thùng đậu hoà lan, 3 thùng bắp non lưu thông trên thị trường.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương để tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát, giám sát an toàn thực phẩm nhằm phát hiện sớm các mối nguy ô nhiễm thực phẩm và thông tin tới người tiêu dùng./.

Được biết, phẩm màu vàng tổng hợp E 102, phẩm màu xanh brillian, chất bảo quản natri benzoat đều được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng trong nưỡng nhất định.

Tuy nhiên, chất bảo quản natri benzoat đã được chứng minh có thể gây chứng hiếu động thái quá ở trẻ nhỏ. Hiện Anh, Canada, Mỹ đã cấm sử dụng các chất này trong thực phẩm dành riêng cho trẻ nhỏ. Việt Nam cũng đã có quy định không sử dụng các chất bảo quản gốc benzoat đối với các loại thực phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Về phẩm màu vàng tổng hợp E 102 hay Tartrazine trước từng gây rất nhiều tranh cãi vì có thể có thể gây hiếu động thái quá ở trẻ, gây hen, gây yếu năng lực ở nam giới...

Nó bị hạn chế sử dụng ở một số nước, tuy nhiên, Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam chính thức có thông báo khẳng định, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có E 102 đúng hàm lượng. E 102 vẫn nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm của Codex (năm 2010). Cho đến nay các nước trong Liên minh châu Âu, Mỹ, các nước trong ASEAN và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E 102 trong chế biến thực phẩm.

Theo Quý Dương / Gia đình Việt Nam