Liên quan đến vụ việc 02 sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh kiểm tra đối với Công ty TNHH URC Hà Nội (gọi tắt là công ty URC). Theo đó, Công ty URC vi phạm 4 lỗi, bị xử phạt hành chính với tổng số tiền lên tới gần 6 tỷ đồng.

Trong đó có hai hành vi vi phạm liên quan trực tiếp tới sản phẩm C2 và Rồng đỏ, cụ thể: hành vi sản xuất hai lô sản phẩm có hàm lượng chì cao hơn mức công bố bị phạt 8.000.000 đồng và hành vi bán hai lô sản phẩm này ra thị trường bị phạt 5.812.867.000 đồng.

Nhiều lô hàng C2, Rồng đỏ của URC có hàm lượng chì vượt phép đã bị tạm dừng lưu thông và thu hồi.

Nhiều lô hàng C2, Rồng đỏ của URC có hàm lượng chì vượt phép đã bị tạm dừng lưu thông và thu hồi.

Doanh nghiệp phải minh bạch thông tin và chấp nhận mất chi phí lớn

Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), người có nhiều năm kinh nghiệm trong những vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, thực chất việc thu hồi không quá khó khăn, nhưng đòi hỏi 2 vấn đề: Doanh nghiệp phải minh bạch thông tin và chấp nhận mất chi phí lớn.

“Để thu hồi, doanh nghiệp phải thông báo công khai rộng rãi các sản phẩm có mã ký hiệu, yêu cầu các đại lý dừng lại không được bán, ai bán thì xử phạt nặng. Không chỉ riêng doanh nghiệp, cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm thu hồi nhưng chi phí thì doanh nghiệp phải bỏ ra”, ông Đức cho biết.

Có thể URC Việt Nam đang e ngại. Doanh nghiệp này sợ rằng, hành động bây giờ chỉ càng nảy sinh thêm những thông tin tiêu cực. Đặc biệt là khi DN chưa ổn định xong tình hình nội bộ.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, việc một nhãn hàng có lỗi mà không có bất kỳ động thái gì thì chẳng khác gì tuyên án tử hình cho chính bản thân mình.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, con số 5,8 tỷ đồng là quyết định xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong ngành y tế từ trước tới nay. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, con số này vẫn “chưa thấm vào đâu” so với quy mô doanh số và khả năng gây thiệt hại tới người tiêu dùng.

Tiền phạt “chưa thấm vào đâu”

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức cũng bình luận: “Luật của mình quá nhẹ nhàng, lẽ ra phải phạt hàng trăm nghìn tỷ. Doanh số lớn đương nhiên phải phạt nặng hơn số người ta thu được thì mới ngăn cản, răn đe được các vụ tương tự, chứ phạt vài tỷ còn quá nhỏ so với lợi nhuận họ thu được”.

Theo luật sư Đức, cơ quan chức năng làm theo luật, nhưng luật không rõ ràng, không mạnh tay thì rất khó xử lý. Do đó, cần phải phạt thật nặng để lần sau không vi phạm nữa, thậm chí phải đóng cửa để răn đe những doanh nghiệp, cá nhân khác.

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TPHCM) cũng cho rằng: “Số tiền 5,8 tỷ đồng là tổng hợp nhiều hành vi vi phạm không phải là 1 hành vi vi phạm. Theo tôi hình thức xử phạt về hành chính thì dù có nhiều đến đâu cũng không có sức răn đe người vi phạm. Với lợi nhuận gấp nhiều lần so với số tiền bị phạt, thì phạt tiền chỉ tổn thất về mặt kinh tế chứ không có sức giáo dục, răn đe người vi phạm".

"Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm cần xem xét nên xử lý về mặt hình sự trong tương lai về các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, theo Bộ luật hình sự hiện nay thì những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ bị xử lý về mặt hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người. Yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” được coi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và mức độ “hậu quả nghiêm trọng” ở đây được thể hiện bằng việc “gây thiệt hại cho tính mạng” hoặc “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng”.

"Tuy nhiên, đa số các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay, bao gồm cả những hành vi nguy hiểm như sử dụng hóa chất công nghiệp hay nguyên liệu quá hạn để chế biến thực phẩm… đều ít khi gây hậu quả chết người ngay lập tức nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đây là một sự hạn chế của pháp luật hình sự về vấn đề này”, ông Hùng cho biết.

Người tiêu dùng kiện URC: Không dễ!

Liên quan đến quyết định xử phạt Công ty URC, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú cho biết:

“Mức phạt mà Thanh tra Bộ Y tế đưa ra là phù hợp với quy định của pháp luật theo đó hành vi sản xuất hai lô sản phẩm có hàm lượng chì vượt mức công bố vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 điều 17 Nghị định 80/2013/NĐ-CP có mức phạt từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng; hành vi bán hai lô sản phẩm này ra thị trường thì mức phạt từ 01 lần đến 02 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng theo quy định tại khoản 5 điều 20 Nghị định 80/2013/NĐ-CP. Mức phạt 5.812.867.000 đồng là mức phạt tương ứng gấp 1,5 lần tổng giá trị hàng hóa bị vi phạm.

Đây là mức phạt khá cao khiến cho những doanh nghiệp không dám lặp lại hành vi vi phạm và phải kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu, sản phẩm của mình trước khi bán ra thị trường. Đồng thời góp phần cảnh báo, răn đe đối với cá nhân, tổ chức khác nếu có hành vi vi phạm tương tự.

Tuy nhiên, việc xử phạt không giải quyết hết được mọi vấn đề bởi số lượng sản phẩm mà URC tung ra thị trường đến tay người tiêu dùng là rất lớn. Số lượng hàng hóa vi phạm đã xuất bán không thu hồi được theo xác định của Thanh tra Bộ Y tế có tổng giá trị là 3.875.244.610 đồng.

Doanh nghiệp vi phạm thì bị xử phạt, tiền phạt được nộp vào ngân sách nhà nước, còn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thì phải tự gánh chịu trong khi họ là người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi lô hàng không phù hợp chất lượng nêu trên.

Như vậy, số lượng lớn người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm, quyền lợi của họ được đảm bảo như thế nào thì không được đề cập. Họ không được bồi thường, không nhận được bất kỳ một lời xin lỗi nào tư phía nhà sản xuất và cơ quan chức năng”.

Luật sư Trương Anh Tú:

Luật sư Trương Anh Tú: "Người tiêu dùng cần tập hợp, củng cố tài liệu chứng cứ để khởi kiện yêu cầu URC bồi thường. Dưới góc độ hình sự, trong trường hợp URC biết sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu TNHS".

Theo luật sư Tú, hiện nay, mặc dù luật pháp có những quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong chính luật bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản luật khác, xong trên thực tế, khi xảy ra những trường hợp tương tự như vụ việc này thì việc bảo vệ quyền lợi của họ là không khả thi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều phía.

Phía cơ quan nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề xử phạt khi có vi phạm mà chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề xung quanh như là có bao nhiêu người sử dụng sản phẩm này, ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao, cơ chế kiểm tra sự tác động lên sức khỏe của người tiêu dùng để đánh giá hậu quả của sản phẩm…

Phía người tiêu dùng thì thờ ơ với chính quyền lợi của mình, đơn giản với suy nghĩ lần sau không sử dụng sản phẩm này nữa. Phía doanh nghiệp thì nộp phạt và lờ đi chuẩn bị ra mắt sản phẩm khác…. và còn rất nhiều nguyên nhân khác.

“Liên quan đến vụ việc này, người tiêu dùng cần tập hợp, củng cố tài liệu chứng cứ để khởi kiện yêu cầu URC bồi thường. Dưới góc độ hình sự, trong trường hợp URC biết sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu TNHS theo quy định tại điều 244 BLHS hiên hành nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trong cho sức khỏe.

Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là khó bởi với hàm lượng chì nêu trên thì phải sử dụng trong thời gian dài mới có biểu hiện nhiễm độc, dẫn đến việc khó chứng minh về mối quan hệ nhân quả từ việc sử dụng sản phẩm đến hậu quả làm tổn hại sức khỏe con người. Ngoài ra, trong thời gian dài con người còn sử dụng nhiều sản phẩm khác nên việc chứng minh sử dụng sản phẩm nhiễm chì là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe rất khó.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi cho mình, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái biết lên tiếng đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình và những người xung quanh. Các cơ quan nhà nước với chức năng quyền hạn của mình có trách nhiệm hơn trong việc kết nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất để giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, có những quyết định cứng rắn để nhà sản xuất có trách nhiệm hơn nữa với người tiêu dùng thay vì chỉ đơn thuần có mỗi việc xử phạt và nộp phạt”, luật sư Tú nhận định.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, trong mọi trường hợp, khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu "khuyết tật", không đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên khiếu nại lên Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi ích một cách hợp pháp. Đồng thời, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại. Nếu không thỏa thuận được người tiêu dùng có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường.

"Về tổn hại đến sức khỏe thì do đã có kết luận của Bộ Y tế về lỗi của hàng hóa rồi nên việc chứng mình này không khó vì các chứng cứ này đã có kết luận hợp pháp từ cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, để khởi kiện, người tiêu dùng còn phải chứng minh qua các chứng cứ như hóa đơn, biên lai, hợp đồng và các chứng từ khác về việc mua chai nước hoặc lô hàng. Đây là điều không hề đơn giản khi việc mua bán, sử dụng chai nước hầu như không có hoá đơn, chứng từ", ông Hùng nói.

Vị luật sư cũng cho rằng, các cửa hàng, đại lý bán hàng C2 và Rồng đỏ nếu bán hàng cho khách hàng và bị khách hàng phàn nàn, khiếu nại hay bị ảnh hưởng uy tín, thiệt hại thì vẫn có quyền khởi kiện bồi thường như người tiêu dùng bình thường. Bởi khi nhà sản xuất giao sản phẩm không đạt chất lượng cho các cửa hàng, đại lý thì các cửa hàng, đại lý này vẫn bị thiệt hại tùy giao dịch cụ thể mà thiệt hại mở góc độ khác nhau.

"Để bảo vệ người tiêu dùng theo tôi cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới, hoàn thiện hệ thống pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đi vào thực tế", ông nhấn mạnh.

Chung quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức cũng thừa nhận, việc người tiêu dùng khởi kiện doanh nghiệp là không đơn giản bởi trong trường hợp này, muốn được bồi thường thì người tiêu dùng phải chứng minh được mình là khách hàng, đã mua hàng, tiêu dùng hàng thể hiện qua biên lai, hóa đơn mua hàng.

"Tuy nhiên, ở Việt Nam, mua bán lặt vặt vài chai nước thì gần như không có hóa đơn, có không ai giữ.​ Cả kể chứng minh đã mua bán rồi cũng phải chứng minh là mình có sử dụng hay không. Trong khi đó, tác hại của việc sử dụng nước uống nhiễm chì không bộc phát luôn hoặc có bộc phát thì cũng có hàng trăm nghìn lý do khác như do ăn uống", ông Đức nói./.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam