Hiệu ứng truyền thông trong nước là số 0 đối với quốc tế

Năm nay, có 87 quốc gia gửi đề cử của mình đi tranh tài tại Oscar. Trong số 87 phim đó, 9 phim sẽ được lựa chọn để được vào danh sách đề cử rút gọn và đại diện của Việt Nam là bộ phim đề tài xuyên không “Cô Ba Sài Gòn” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Theo Deadline, đường đua năm nay được đánh giá là căng thẳng nhất trong vài năm trở lại đây với nhiều bộ phim có chất lượng cao.

Sau cùng, Viện Hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã chọn ra 9 bộ phim trong số 87, trong đó có những phim được đánh giá có cơ ẵm tượng vàng như: “Roma” (Mexico) của đạo diễn từng đoạt giải Oscar Alfonso Cuaron; “Shoplifters” (Nhật Bản) của đạo diễn Hirozaku Kore-eda; “Ayka” (Kazakhstan) của đạo diễn Sergey Dvortsevoy.

Châu Âu có 4 đại diện là “The Guilty (Đan Mạch), “Never Look Away (Đức), Capernaum (Lebanon)” và “Cold War” (Poland). Bộ phim “Bird of Passage” lấy bối cảnh cuộc chiến chống ma túy vào thập niên 1960 của Colombia là đại diện duy nhất đến từ Nam Mỹ.

Điện ảnh Hàn Quốc lần đầu tiên có phim lọt danh sách này là “Burning” – một phim cũng rất gây chú ý tại Liên hoan phim Cannes hồi đầu năm. Còn Việt Nam thêm một lần lỗi hẹn với giải thưởng điện ảnh uy tín bậc nhất thế giới này.

Thực thà mà nói, việc “Cô Ba Sài Gòn” bị loại không có gì bất ngờ. Nếu lọt vào danh sách rút gọn mới là bất ngờ. Bởi khi trình chiếu trong nước, “Cô Ba Sài Gòn” cơ bản là được hiệu ứng truyền thông lăng xê quá tốt. Nỗ lực của Ngô Thanh Vân và ê-kíp là đáng ghi nhận khi đưa nội dung về tà áo dài lên phim đẹp đẽ và trân trọng giá trị truyền thống. Nhưng nội dung phim có rất nhiều điểm gây tranh cãi. Đề tài xuyên không không có gì mới với điện ảnh thế giới, mạch phim, cách xây dựng nội dung không có gì mới lạ, nhiều chi tiết thiếu logic. Bộ phim vẫn thiên về tính giải trí nhiều hơn tính nghệ thuật, vì thế khi đi thi quốc tế sẽ khó có cơ hội lọt sâu – nhất là với những giải thưởng như Cannes hay Oscar, sự đòi hỏi của Ban giám khảo về thông điệp phim, cách thể hiện mới mẻ, tính nghệ thuật lại rất được chú trọng.

Khi “Cô Ba Sài Gòn” chiếu trong nước và tham dự một vài liên hoan phim khu vực, hiệu ứng truyền thông mà bộ phim mang lại trong nước rất lớn, đó là thành công của ê-kíp truyền thông bộ phim, nhưng với giải thưởng quốc tế, truyền thông dù có hiệu ứng bao nhiêu cũng không thể bù lấp được yếu tố nội dung. Bởi thế, không phải cứ ở quốc gia ấy đánh giá cao, là có thể lọt mắt xanh các nhà phê bình phim thế giới.

phim viet giai ao thi nhieu giai chat lai qua xa
“Cô Ba Sài Gòn” không có trong danh sách rút gọn của đề cử phim nước ngoài hay nhất, giấc mơ Oscar với điện ảnh Việt còn quá xa vời. Ảnh từ phim “Cô Ba Sài Gòn”

Giải “vô danh” lại quá nhiều

Trong khi chúng ta chưa bao giờ có cơ hội được đề cử tại các giải thưởng phim lớn quốc tế, thì cứ thỉnh thoảng, truyền thông trong nước lại nhận được tin: Phim Việt có giải thưởng quốc tế, dẫu rằng, giải thưởng ấy “lạ tai” và nội dung phim đạt giải thưởng cũng gây “hoang mang” cho chính khán giả trong nước. Như mới đây, có thông tin bộ phim “Ở đây có nắng” đoạt giải thưởng Phim Việt Nam xuất sắc 2018 (The best Vietnamese film 2018) của Liên hoan phim (LHP) Quốc tế ý tưởng mới San Francisco 2018 (San Francisco international new concept film festival). Trên trang web của LHP mới thấy, không chỉ có giải Phim Việt Nam xuất sắc (được trao cho bộ phim “Ở đây có nắng”), LHP còn có cả giải Phim hài Việt Nam xuất sắc (Excellent Vietnamese comedy film) trao cho bộ phim “Sắc đẹp ngàn cân”, và Phim kinh dị Việt Nam xuất sắc (Excellent Vietnamese horror film) cho phim “Vai diễn đổi đời”. Cả ba phim này đều cơ bản không nhận được lời khen ngợi của khán giả trong nước, có phim còn là bản remake gần như 100% của Hàn Quốc.

Cách đây 2 năm, bộ phim “Hương ga” cũng từng được nhận giải Phim Việt Nam xuất sắc cũng của LHP này. Cùng với giải thưởng đó, đoàn làm phim “Hương ga” còn công bố nhận nhiều giải thưởng quốc tế khác như giải The best feature Southeast Asia panaroma (Phim xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á), nữ diễn viên chính Trương Ngọc Ánh cũng đoạt giải Actress of excellent achievement (Nữ diễn viên có thành tựu xuất sắc) của LHP Toàn cầu (Film festival of globe).

Thông tin về giải thưởng của LHP Quốc tế ý tưởng mới San Francisco trên những trang viết về điện ảnh uy tín gần như không có. Trong khi đó, giải thưởng lại được biết đến ở Việt Nam khá nhiều do các nhà sản xuất phim cứ được giải là gửi thông cáo báo chí ngay.

Năm 2016, Lý Hải được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất châu Á, trong khi Midu nhận giải Diễn viên châu Á xuất sắc, diễn viên Phi Ngọc Ánh thì nhận giải thưởng Diễn viên hành động xuất sắc châu Á của giải thưởng Korean culture & global entertainment awards, tất cả khán giả trong nước đều “choáng” khi chẳng hiểu tiêu chí nào cho giải thưởng này, Midu đóng phim nào xuất sắc tầm “châu Á” mà nhận giải hoành tráng thế?

Hiện nay, các giải thưởng điện ảnh và LHP cũng có rất nhiều dạng. LHP chính thống, LHP uy tín và LHP giả mạo. Trong đó, không thiếu những LHP chỉ tồn tại trên mạng, chỉ để thu phí, thậm chí họ còn không duyệt phim, các LHP mở ra để nhà sản xuất đăng ký, đóng phí và trao giải cũng không thiếu.

Bởi thế, cứ nhìn vào các giải thưởng lớn mới thấy, điện ảnh Việt Nam để vươn tầm giải “chất” vẫn quá xa vời, dù mấy năm gần đây doanh thu kỷ lục phòng vé trong nước không thiếu. Cơ bản, nhà sản xuất vẫn chỉ tập trung mảng doanh thu, Cục Điện ảnh thì loay hoay với việc chọn được phim nào hợp nhất để đi thi.

Thế nên, các đơn vị quản lý phim ảnh, các nhà sản xuất và khán giả có lẽ cũng nên nhìn nhận đúng phim trong nước hơn: Rằng doanh thu và truyền thông thì tăng đấy, nhưng còn quá xa vời với chất lượng của điện ảnh quốc tế.

Nam Dương

 

Theo phapluatxahoi.vn