Theo đó, hiện Việt Nam có 70,85 triệu người từ 15 tuổi trở lên, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,36 triệu.

Dân số từ 15 tuổi trở lên và lực lượng lao động khu vực thành thị có xu hướng tăng khá nhanh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dân số từ 15 tuổi trở lên tăng 6,27% và lực lượng lao động tăng 7,49%.

 Hiện Việt Nam có 70,85 triệu người từ 15 tuổi trở lên, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,36 triệu

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung được cải thiện chậm, chiếm 20,62% lực lượng lao động, chỉ tăng 0,56% so với quý II/2015.

Lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là 6,6% và 4%. Nguyên nhân là do nhóm lao động này đã gia tăng đáng kể.

Tỷ trọng lao động khu vực nông thôn và ngành nông - lâm - thủy sản, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý, tình trạng thiếu việc làm giảm mạnh cả về số lượng và tỷ lệ (1,41 triệu người, chiếm 1,55%).

Số giờ làm việc bình quân một tuần của lao động thiếu việc làm là 26,45 giờ, giảm 1,58 giờ so với quý I/2016, bằng 55,5% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (47,69 giờ/tuần).

Về tình hình tham gia bảo hiểm xã hội, trên cả nước, tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động là 23,05%; số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 2,03% so với quý I/2016, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2015.

Số tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục giảm nhẹ so với quý I/2016.

Con số nợ BHXH ở thời điểm cuối quý II/2016 là 9.242 nghìn tỷ, cao hơn 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong quý 2 là 4,85 triệu đồng (quý 1 là 5,08 triệu).

Nguyên nhân do quý I gắn với Tết nguyên đán cho nên người lao động được hưởng thêm tiền thưởng Tết, do đó thu nhập quý II giảm là điều tất nhiên.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động làm công ăn lương cũng giảm so với quý I (từ 41,40% xuống còn 41,26%); ngành công nghiệp chế biến chế tạo có số lượng lao động giảm nhiều nhất (61.000 người, chiếm trên 10%).

Theo thống kê, tất cả các nhóm nghề đều có thu nhập thấp hơn quý I/2016, nhưng cao hơn quý II/2015. Nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách đối với các nhóm còn lại.

Dự báo 6 tháng cuối năm, việc làm tăng trong một số ngành như: xây dựng, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, kinh doanh bất động sản. Lao động trong ngành nông nghiệp giảm nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam