Một trong những bức ảnh tại triển lãm. Ảnh BVH 

Đây là triển lãm đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi tại Hà Nội, trước đó, ông có nhiều triển lãm tại các thành phố của Mỹ và tổ chức một số triển lãm trong nước. Nguyễn Trọng Khôi là họa sĩ kỳ cựu, được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Gia Định (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh). Tuy định cư ở Mỹ nhiều năm nhưng tác giả vẫn hướng về quê hương và sáng tác của ông luôn mang đậm hình bóng quê nhà.

Triển lãm này giống như một câu chuyện kể về tình cảm của một người con với quê hương ở nơi xa xôi bằng ngôn ngữ tạo hình hiện đại. Như chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, vì xa quê đã lâu nên ông khó có thể “vịn” vào hình ảnh quê hương trong ký ức mà sáng tác. Nhưng tình cảm nồng đượm với quê nhà cùng ý thức về bản sắc cội nguồn luôn thôi thúc ông sáng tạo và ông đã tìm được “mẫu số chung” từ tranh trừu tượng - phong cách ông tập trung theo đuổi. 

Bức tranh ấn tượng tại triển lãm. Ảnh: ANTĐ 

Do vậy mà 25 tác phẩm hội họa trưng bày tại triển lãm lần này hầu hết là tranh trừu tượng, được chọn lựa từ các bộ sưu tập của nhà thơ Nguyễn Duy - tác giả bài “Tre Việt Nam” và nhà báo Nguyễn Trọng Chức. Cảm xúc trước tinh thần hội họa thấm đượm hồn quê của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, từ lâu, nhà thơ Nguyễn Duy và nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã trở thành bạn tâm giao với họa sĩ, đồng thời là nhà sưu tầm tranh của ông. 

Khách tham quan triển lãm. Ảnh: VH 

Các bức tranh “Ký ức”, “Thung lũng”, “Dạo chơi trên thảo nguyên”, “Gió và cát”, “Lễ hội”, “Mùa thu dịu êm”, “Tiếng chim buổi sáng”… hiện diện tại triển lãm mang tinh thần triết lý Á Đông, bóng dáng của nguồn cội hiện lên đậm đà trong cách phối màu và đường nét đã đem đến cảm nhận mới mẻ về một đất nước Việt Nam. Đồng thời, người xem có thể thấy được hình ảnh thân thuộc như dòng sông hiền hòa uốn lượn, bóng con đò bên sông, những mái nhà tranh… qua nhiều tác phẩm được trưng bày.

Theo congluan.vn