Cách đây khoảng 15 năm, điện thoại di động được coi là dịch vụ chỉ dành cho nhà giàu. Thế nhưng, kể từ khi Viettel xuất hiện, với chiến lược liên tục giảm giá để thu hút người dùng, nhà mạng này đã tạo ra một cuộc cách mạng về giá cước. 

Gọi di động từ chỗ hơn 4.000 đồng/phút, hòa mạng trả sau mất hàng triệu đồng, sau vài năm chỉ còn khoảng hơn 1.500 đồng/phút, hòa mạng trả sau thì hầu như miễn phí và giờ đây, giá cước còn thấp nữa.

Điều này, cộng với nhiều chiến lược đúng đắn khác đã đưa Viettel từ một mạng di động nhỏ bé vươn lên trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số 1 tại Việt Nam với gần 70 triệu người dùng. 

Thế nhưng, trong quá trình phát triển của mình, Viettel cũng từng mắc sai lầm khi chính họ đã đề xuất lên Bộ TT&TT áp giá sàn cước di động.

Đó là vào năm 2010 khi Viettel và các “ông lớn” viễn thông phải chịu áp lực cạnh tranh như "thổi lửa vào mặt" từ những chiến dịch như Big Zero “gọi quên ngày tháng” của những “tay chơi mới” là Beeline và Vietnammobile. Đề xuất này lập tức gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận và có người đã nói rằng Viettel “bắn súng lục vào quá khứ!”.

Cũng rất may, đề xuất này không thành, Viettel tiếp tục theo đuổi chiến lược cạnh tranh về giá và tạo ra thêm những bước ngoặt mới về cách tính cước cho người dùng.

Theo đó, thị trường viễn thông Việt Nam tiếp tục phát triển tự do đầy sôi động, ngày càng đem lại nhiều tiện ích và lợi ích cho người dùng đồng thời trở thành một thị trường viễn thông ưu việt bậc nhất khu vực.

Câu chuyện về áp “giá sàn, giá trần” tưởng đã có "bài học" từ viễn thông, nhưng không, nay nó lại lặp lại ở lĩnh vực hàng không. 

Thật lạ! Đang yên, đang lành, thị trường hàng không đang phát triển đầy cạnh tranh với giá vé giảm từng ngày, đem lại cơ hội bay thuận lợi, vừa túi tiền với nhiều đối tượng khách hàng thì đùng một cái, Cục Hàng không lại đưa ra dự thảo về khung giá.

Dự thảo này lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hãng hàng không sang chảnh quốc gia (Vietnam Airline) với đề xuất áp một giá sàn “trên trời” là phải thấp nhất 1,54 triệu đồng cho một chặng bay phổ thông nội địa! Và đương nhiên, dù gắn mác liên doanh nước ngoài, nhưng do là “con nuôi” của Vietnam Airline nên Jetstar Pacific cũng đồng tình ủng hộ!

Các hãng hàng không trong cuộc cạnh tranh về giá. (Ảnh minh họa)

Các hãng hàng không trong cuộc cạnh tranh về giá. (Ảnh minh họa)

Chỉ Vietjet, hãng hàng không tư nhân đang "ăn nên làm ra" với chiến lược giá rẻ là lắc đầu với giá sàn (dù đồng ý áp giá trần).

Họ cho rằng, việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa sẽ hạn chế cơ hội cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ thông qua việc giảm giá thành dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc tạo sự cạnh tranh không bình đẳng của các hãng hàng không giá rẻ so với các hãng hàng không khác.

Trong khi đó, lý do mà Cục Hàng không và một hãng bay giá rẻ đưa ra là: Áp giá sàn để hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các hãng (tuy nhiên "thiếu lành mạnh" thế nào thì không thấy nói?!).

Thêm nữa, giá sàn còn để hạn chế việc người người muốn bay, nhà nhà muốn bay mà không chọn di chuyển bằng đường sắt hay đường bộ, dẫn tới mất cân đối giữa các loại hình vận chuyển hành khách…

Thật nực cười và không thể hình dung nổi ở thế kỷ 21 rồi mà vẫn tồn tại những tư duy như vậy! Trên thế giới, người ta đã từ bỏ tư duy về giá trần, giá sàn từ ba bốn chục năm về trước và đến nay, không có hãng hàng không hay bất kỳ quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách.

Cũng thật vô lý khi mong muốn hạn chế hàng không để kích thích đường bộ, đường sắt phát triển trong khi những lĩnh vực dịch vụ vận tải này không chịu tự chuyển mình và sửa mình.

Việc bùng nổ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không ở Việt Nam thời gian qua lẽ ra phải được nhìn nhận như một tín hiệu đáng mừng không chỉ cho ngành vận tải mà còn cho cả nền kinh tế.

Theo đó, chúng ta phải để quy luật cung – cầu quyết định giá vé, chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính. Giá vé của các hãng hàng không đang được điều chỉnh nhịp nhàng bởi Luật Giá và Luật Cạnh tranh, phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam với kinh tế thế giới.

Và cũng chắc chắn rằng, cũng chẳng có doanh nghiệp nào chịu chấp nhận xây dựng khung giá vé của mình thấp hơn chi phí vận chuyển để Cục Hàng không phải lo hộ họ.

Trong khi Việt Nam đã chính thức tham gia vào “Bầu trời mở Asean” với cam kết đảm bảo chính sách dịch vụ hàng không cạnh tranh, xóa bỏ kiểm soát giá vé, tần suất và khả năng thực hiện các chuyến bay trong khu vực thì việc đưa ra đề xuất về áp giá sàn, giá trần cho dịch vụ vận tải hàng không (dù hạn chế ở khu vực phổ thông nội địa), chẳng khác nào Cục Hàng không – Bộ GTVT đã lấy đá ghè vào chân mình.

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực xây dựng “Chính phủ kiến tạo”, điều hành phát triển kinh tế theo quy luật thị trường và tự do hóa thì người ta có thể nghi ngờ về chuyện “lợi ích nhóm” ở đề xuất này.

Và nếu có thể loại bỏ được nghi ngờ về chuyện “lợi ích nhóm” thì xã hội vẫn sẽ có quyền đặt nghi vấn về “trần tư duy” của những cá nhân/tổ chức đưa ra đề xuất nêu trên.

reatimes.vn