Lừa dối người tiêu dùng suốt 5 năm

Cách đây gần 2 năm, ngày 17/10/2017, Công ty V.(Hà Nội) đặt mua 60 khăn lụa tơ tằm của Khaisilk tại cửa hàng 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với kích thước 50×50 cm, với giá 644.000 đồng/cái để làm quà tặng cho đối tác.

Khi kiểm hàng, nhân viên Công ty V. phát hiện có một chiếc khăn gắn mác “made in China” ngay trên cùng chiếc khăn có gắn mác “made in Vietnam”.

Nhân viên Công ty V. cho rằng, vì tin tưởng Khaisilk chỉ bán khăn lụa tờ tằm sản xuất tại Việt Nam, nên khi yêu cấu lập biên bản phát hiện vụ việc với nội dung: “Khăn lụa bán cho Công ty V. thuộc thương hiệu của Khaisilk có hay không nguồn gốc từ Trung Quốc? Tại sao trên cùng một chiếc khăn lại có hai nguồn gốc xuất xứ? Chất liệu chiếc khăn được làm bằng gì?

Vụ việc Khaisislk bán lụa Tàu gắn mác Việt Nam đã gây rúng động dư luận.

Vụ việc Khaisilk bán khăn lụa “Made in China” từng khiến dư luận vô cùng bức xúc cách đây 2 năm.

Ngày 19/10/2017, trong thư phản hồi cho Công ty V., cửa hàng 113 Hàng Gai (Hà Nội) cho rằng, tất cả 60 khăn mà Công ty V. mua đều thuộc thương hiệu Khaisilk, đồng thời khẳng định chất liệu làm khăn là "100% lụa tơ tằm". 

Còn việc trên cùng một chiếc khăn nhưng có 2 nhãn mác khác nhau, đại diện cửa hàng giải thích do nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng 60 chiếc khăn để giao cho khách "vì thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may hiện đang sản xuất cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ". 

Cũng trong thư phản hồi này, cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai cho rằng, do có nhiều bạn hàng kinh doanh khắp nơi trên thế giới, đối tác cũng muốn mang tơ lụa của Việt Nam về nước để bán, nhưng "nếu để thương hiệu của Khaisilk thì chúng tôi không đủ khả năng kiểm soát chất lượng và giá cả nên bước đầu chấp nhận cho họ dùng nhãn mác riêng để bán lại sản phẩm của Khaisilk".

aaaa

Cửa hàng Khaisilk địa chỉ tại 113 phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiện đóng cửa, biển hiệu đã được tháo. (Ảnh: Mộc Như).

Đến ngày 23/10, ông Đặng Như Quỳnh thuộc Công ty V. chia sẻ vụ việc khăn lụa Khaisilk lên Facebook cá nhân, kèm hình ảnh sản phẩm và ngay lập tức thu hút quan tâm của cộng đồng dư luận.

Ngày 25/10, ông Hoàng Khải – ông chủ của Khaisilk đã thừa nhận bán khăn “made in China”.

Ngay sau vụ việc xảy ra, ngày 26/10, Bộ Công thương chính thức yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan vụ việc trên, báo cáo về bộ trước ngày 28/10, và đề nghị hướng xử lý, nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái...

Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, Bộ Công Thương cho hay, trong giai đoạn 2006 - 2009, Khải Đức có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, công ty này không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Tính từ năm 2012 đến thời điểm năm 2017, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

Đóng cửa rồi biến mất một cách bí ẩn

Theo tìm hiểu của PV, ngày 8/5, cửa hàng nơi phát hiện ra vụ việc nằm trên 113 phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) biển hiệu đã được tháo, cửa nhà đóng chặt. Một người hàng xóm tại đây chia sẻ, 2 năm qua nhà vẫn đóng như vậy, thỉnh thoảng có người qua chứ không có cửa hàng nào mới mở ở đây cả.

Hàng xóm cho biết, 2 năm qua, cửa hàng Khaisilk tại 113 phố Hàng Gai thỉnh thoảng có người qua chứ không thấy hoạt động gì. (Ảnh: Mộc Như).

Ngày 22/12/2017, Bộ Công thương công cố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả,hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Công ty TNHH Khải Đức có kết luận: Khaisilk có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ngoài ra, Khải Đức còn có dấu hiệu vi phạm các tội danh khác như hành vi buôn bán hàng giả về chất lượng, khi kết quả giám định không thấy có thành phần “silk” trong sản phẩm so với các thông tin công bố trên nhãn hàng hóa về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm “100% Silk”, dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể: một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.

Công ty cũng có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Theo thông tin của Bộ Công thương, vụ việc đã được bàn giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để làm rõ. Thời điểm cuối năm 2017, khẳng định với một số cơ quan báo chí, ông Chu Xuân Nghiêm, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, khẳng định đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ Khaisilk đến PC46 Công an TP. Hà Nội để làm rõ theo quy định pháp luật.

Đầu năm 2018, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình – Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các vi phạm pháp luật của công ty TNHH Khải Đức (Khaisilk).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, phía bên người tiêu dùng, dư luận vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào về vụ xét xử hay mức án phạt đối với Công ty TNHH Khải Đức (Khaisilk) với những tội danh như trên. Phải chăng nhận lỗi rồi đóng cửa các cửa hàng thời trang may mặc thì Khaisilk sẽ "trốn tội"?

Theo Mộc Như/Đô Thị Mới