Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) cho biết đang thụ lý điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can.

Phần lớn những hành vi sai phạm nghiêm trọng tại các ngân hàng này xảy ra dưới thời lãnh đạo cũ. Ví như ông Trầm Bê, Phan Huy Khang tại Sacombank, Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng,...

Tuy nhiên, những sai phạm khi được điều tra phát hiện và công bố sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh cũng như kế hoạch phát triển của các ngân hàng liên quan.

Tân chủ tịch và ekip mới đang gồng mình cho cuộc “đại cải cách” Sacombank

Bên cạnh nhiều thất vọng của cổ đông, không thể phủ nhận rằng việc ông Dương Công Minh lên nắm ghế nóng tại Sacombank vẫn được kỳ vọng. Nhất là tại Đại hội cổ đông 2017, ông Minh hứa sẽ đem về 1.000 tỷ đồng lợi nhuận cho ngân hàng này và quá trình tái cơ cấu sẽ rút ngắn còn 50 – 30% thời gian dự kiến ban đầu.

Đặc biệt, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS, tài chính, kỳ vọng ông Minh sẽ nhanh chóng xử lý khoản nợ xấu khổng lồ từ BĐS của ngân hàng này từ thời lãnh đạo cũ để lại.

Về định hướng kinh doanh năm 2017, Đại hội cổ đông của ngân hàng thông qua chỉ tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so với 2016.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%. Lợi nhuận trước thuế 585 tỷ đồng.

Ngay sau Đại hội cổ đông diễn ra ngày 30/6, Sacombank bắt tay ngay vào công cuộc tái cơ cấuvà luên tục“dội bom” tin tốt ra thị trường với lợi nhuận khả quan, thông tin thay dàn lãnh đạo từ giám đốc đến bảo vệ, bổ sung nhân viên...

Không chỉ vậy, Sacombank cũng đang lấy lòng khách hàng bằng thư thăm dò sự hài lòng,… Những động thái trên cho thấy, nhiều khả năng ông Dương Công Minh và ekip điều hành sẽ tái cơ cấu ngân hàng này "từ chân tơ kẽ tóc".

Quý II, lợi nhuận sau thuế đạt 162,87 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 77 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của ngân hàng mẹ đạt 352 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng là 212,5 nghìn tỷ đồng.

Tỷ trọng dư nợ ngắn hạn đã tăng đáng kể trong năm nay, từ 40,1% lên 42,82%. Đóng góp đáng kể trong tăng trưởng tín dụng là sự gia tăng của các khoản nợ nhóm 1,2,3. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 70 tỷ đồng.

TPBank: Lợi nhuận dự kiến tăng 10%, lên sàn trong năm 2017

Với kế hoạch năm 2017, cổ đông Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã thông qua mức vốn điều lệ vẫn giữ ở mức 5,842 tỷ đồng, tổng tài sản sẽ tăng 23% lên 130 ngàn tỷ đồng.

Tổng vốn huy động tiền gửi dự kiến đạt hơn 118 ngàn tỷ đồng (tăng trưởng 21%), với sự đóng góp của 71,6 ngàn tỷ đồng tiền gửi tài chính kinh tế, cá nhân và hơn 46,7 ngàn tỷ đồng tiền gửi vay của tài chính tiêu dùng, lần lượt tăng 30% và 13% so với năm 2016.

TPBank dự kiến đạt 780 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10,3% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu đặt mục tiêu dưới 2%.

Cũng tại Đại hội, Liên quan đến vốn góp của Mobifone tại TPBank, đại diện Mobifone cho biết, Mobifone đi cùng với TPBank từ ngày đầu thành lập, đã có những hỗ trợ và đóng góp nhất định cho Ngân hàng.

Tuy nhiên, Mobifone có chủ trương thoái vốn tại TPBank do việc đầu tư Ngân hàng là hoạt động đầu tư trái ngành. Do đó, Mobifone sẽ tiếp tục triển khai thoái vốn trong năm 2017.

Được biết, trong năm 2016, Mobifone chào bán đấu giá hơn 14 triệu cp TPBank nhưng chỉ bán được hơn 8,7 triệu cp, tương ứng thu về gần 78 tỷ đồng.

Đối với phần vốn của Tổng CTCP Tái BH Quốc gia Việt Nam –VINARE(HNX: VNR) tại TPBank, đại diện VINARE cho hay, hợp tác giữa VINARE và TPBank đang có chiều hướng phát triển tốt, vì thế VINARE chưa có ý định thoái vốn tại TPBank.

Đến cuối tháng 2, TPBank đã xóa được lỗ lũy kế và đáp ứng điều kiện cần để lên sàn. TPBank cũng dự kiến sẽ lên sàn trong năm 2017, tuy nhiên thời điểm cụ thể thì chưa xác định, một phần vì ban lãnh đạo muốn Ngân hàng ổn định hoạt động kinh doanh trước khi lên sàn.

Theo báo cáo tài chính, đến hết tháng 6/2017, TPBank có tổng tài sản hơn 115.600 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của TPBank trong quý II đạt 690 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ và lũy kế 6 tháng cũng đạt mức tăng tương đương với hơn 1.300 tỷ đồng.

Riêng trong quý II, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 267 tỷ đồng, tăng trên dưới 140% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, TPBank ghi nhận 482 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ.

BIDV: Dự tính tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) đề ra chỉ tiêu huy động vốn tăng 16,5% và tín dụng tăng trưởng không quá 16% trong năm. Lợi nhuận trước thuế ở mức 7.750 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 7% và không thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.

BIDV cũng dự tính tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng trong năm nay, từ 34.187 tỷ đồng hiện tại lên 38.632 tỷ đồng.

Phương thức tăng vốn dự kiến sẽ tiến hành qua 3 đợt bao gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng; phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất, đến hết 30/06/2017, tổng tài sản của BIDV đạt trên 1.100.433 tỷ, tăng trưởng 9,3% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.024.008 tỷ, trong đó cho vay khách hàng tính đến 30/06/2017 đạt trên 807.370 tỷ, tăng trưởng 11,56% so với đầu năm.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu 1,9%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.026.269 tỷ, trong đó tiền gửi của khách hàng tính đến 30/06/2017 đạt trên 811.512 tỷ, tăng trưởng 11,8% so với đầu năm.

Chênh lệch thu chi 6 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm riêng ngân hàng đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 54% so với kế hoạch năm 2017, trong đó lợi nhuận trước thuế quý II đạt 1.993 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2017, Ngân hàng Xây Dựng dành gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho khách hàng lẻ

Từ ngày 3/4/2017, Ngân hàng Xây Dựng (CB) triển khai gói 4.000 tỷ đồng cấp tín dụng, cho vay khách hàng cá nhân với 7 gói lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%.

Những gói lãi suất này sẽ dành cho tất cả các dòng sản phẩm vay của ngân hàng, khách hàng hoàn toàn được chủ động tùy chọn lãi suất.

Từ năm thứ 4, khách hàng được hoàn toàn miễn phí trả nợ trước hạn đối với khoản vay.Chương trình ưu đãi lãi suất được CB áp đụng đến hết 31/12/2017. 

Theo Reatimes.vn