Tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10, Tổng cục Thống kê đã có một số đánh giá nhất định về ảnh hưởng của sự cố Galaxy Note 7 tới tình hình xuất nhập khẩu của cả nước.

Theo đó, trong tháng 9/2016, sự cố lỗi pin của sản phẩm Galaxy Note 7 của Samsung dẫn đến quyết định thu hồi, ngừng xuất khẩu sản phẩm này, do đó, kim ngạch xuất khẩu hàng điện thoại và linh kiện (trong đó xuất khẩu của Samsung chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nhóm hàng này) được dự báo sẽ sụt giảm.

Thực tế cho thấy, sự cố Galaxy Note 7 có ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung Việt Nam, làm giảm lợi nhuận nhưng hiện tác động chưa đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này.

 Sự cố Galaxy Note 7 có ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung Việt Nam

Nguyên nhân là do một phần sản phẩm Galaxy Note 7 được phân phối ngay tại thị trường trong nước, trong khi xuất khẩu sản phẩm này hiện chiếm tỷ trọng không lớn.

Sự cố này cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới việc tiêu thụ và xuất khẩu các dòng sản phẩm khác của Samsung.

Thống kê cho hay, trong 15 ngày đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của riêng nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 1,35 tỷ USD, tăng 2,1% so với 15 ngày đầu tháng 10/2015.

Ước tính kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện tháng 10/2016 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015.

Dự báo sự cố Galaxy Note 7 sẽ tác động trực tiếp đến việc giảm kim ngạch xuất khẩu nói chung, nhưng mức độ sẽ không lớn.

Sự cố này cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới việc tiêu thụ và xuất khẩu các dòng sản phẩm khác của Samsung.

Tuy nhiên, với thế mạnh về kiểu dáng và giá cả cạnh tranh, dự báo mức độ tác động giảm kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng còn lại của năm 2016 sẽ không nhiều (có thể làm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2016 giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm).

Nhận định về kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung:

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 ước đạt 15,50 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,43 tỷ USD, tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,07 tỷ USD, giảm 0,8%.

Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với tháng trước:

  • Điện thoại và linh kiện giảm 3,9%
  • Hàng rau, quả giảm 17,9%
  • Sắt thép giảm 25,2% (lượng giảm 25%)

Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh:

  • Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 9,3%
  • Thủy sản tăng 8,1%
  • Giày dép tăng 7,8%

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Mười tăng 8,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 6,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 9,2%.

Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 144,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,4 tỷ USD, tăng 4,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 102,7 tỷ USD, tăng 8,1%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng cao so với cùng kỳ năm trước:

  • Điện thoại và linh kiện đạt 28,3 tỷ USD, tăng 10,3%
  • Dệt may đạt 19,9 tỷ USD, tăng 5,2%
  • Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 14,8 tỷ USD, tăng 15,6%
  • Giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,9%
  • Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,3 tỷ USD, tăng 24,9%

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam