Rất nhiều người có thói quen khi chiên, rán thức ăn thường dùng nhiều dầu mỡ. Sau khi rán xong, thay vì đổ đồ mỡ thừa đi thường giữ lại chiên đi chiên lại hoặc rán, xào các món ăn cho bữa ăn sau. Tuy nhiên, đây là cách không tốt cho sức khỏe chút nào.

su dung dau chien dung the nao
Không nên tái sử dụng dầu ăn

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), dầu ăn sau khi dùng để chiên, rán tốt nhất nên bỏ đi không nên sử dụng lại vì sau khi rán, mùi mỡ đã có mùi thức ăn cũ, khét khi dung chế biến tiếp sẽ làm thực phẩm mất hương vị thơm ngon.

Sau khi nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, trong dầu ăn rất dễ sản sinh ra transfat – một chất có hại cho sức khỏe, aldehyde, fatty acid oxide... Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, các bệnh lý tim mạch, ung thư…

su dung dau chien dung the nao
Không dùng dầu ăn ở nhiệt độ cao, chiên đi chiên lại vì sẽ gây hại cho sức khỏe

Dầu ăn chiên đi chiên lại cũng làm giảm giá trị của dầu, phá hủy các vitamin có trong dầu. Đồng thời những cặn thực phẩm bị cháy trong quá trình chiên rán còn đọng lại trong dầu đã qua sử dụng mà mắt thường không nhìn thấy cũng là một tác nhân gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Một sai lầm "chết người" mà rất nhiều người mắc phải là cho dầu vào nồi rồi chờ tới khi dầu ăn sôi và bốc khói mới cho thức ăn vào chế biến. Nhiệt độ cao không những làm ảnh hưởng, phá vỡ chất dinh dưỡng có trong dầu ăn và còn sản sinh ra các chất độc là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư.

su dung dau chien dung the nao
Các đồ ăn như thịt chiên, cá chiên, nem chua chiên khi tiếp xúc với dầu ăn nhiệt độ cao phát sinh các chất cháy khét dễ gây ung thư

Các nhà khoa học cho rằng, dầu ăn khi đun nóng trên 180 độ C sẽ khiến dầu biến chất sinh ra các chất độc hại. Cụ thể, khi bị ra nhiệt quá cao (đun nấu ở nhiệt độ cao), các chất axit béo trong dầu thực vật sẽ bị rối loạn cấu trúc tế bào, có thể gây đột biến gen. Chúng có thể tạo ra các amin sinh vật dẫn đến nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng, ung thư gan, phổi, vú. Ngoài ra chúng còn có nguy cơ làm giảm miễn dịch của cơ thể do làm dư thừa lipid...

Để an toàn, bạn có thể dùng chảo hay nồi để trên bếp cho tới khi nóng già rồi mới đổ dầu vào và chế biến. Nhận biết nhiệt độ dầu qua cảm quan bằng cách dầu càng sôi lâu thì nhiệt độ càng tăng.

Trong mỗi gia đình nên có 2 loại dầu để sử dụng cho các loại thực phẩm khác nhau. Trong đó, một loại cung cấp các axít béo thiết yếu, chủ yếu là dầu hạt như dầu mè, dầu nành, dầu olive…. Chúng nên dùng để trộn với dấm, salad, cho vào thức ăn trẻ em, nấu canh, ướp thịt cá… Loại thứ hai là dầu dừa, dầu đậu phộng... dùng để chiên, xào ở nhiệt độ cao như rán chả, giò, cá, khoai tây.

Trong quá trình sử dụng, nên để dầu chỗ mát, không để nơi quá nóng, tránh ánh sáng, đậy kín chai sau mỗi lần dùng. Dầu sử dụng chiên, xào còn dư nên bỏ đi không dùng đi dùng lại nhiều lần (chỉ dùng tối đa 2 lần). Lý do, trong quá trình chịu tác động của nhiệt độ cao sinh ra chất béo thể trans và một số thành phần độc hại khác không tốt cho cơ thể. Dầu đã mở nắp chỉ nên sử dụng trong khoảng một tháng.

Với thanh thiếu niên và người trưởng thành, tỷ lệ năng lượng do chất béo cung cấp trong khẩu phần nên là 18-20%, tỷ lệ mỡ động vật và dầu thực vật ngang nhau. Với người trung và cao tuổi, tỷ lệ dầu thực vật nên tăng lên (60-70%). Dầu ăn (loại dầu hạt) nếu đảm bảo vệ sinh thì sử dụng dưới dạng trộn salad là tốt nhất, các axít béo chưa no có nhiều mạch kép trong cấu trúc được bảo toàn nguyên vẹn.

Khi xào nấu thức ăn, để đảm bảo vừa ngon miệng, vừa giữ được chất lượng của chất béo, nên phối hợp như sau: phi một ít hành hoặc tỏi với mỡ rồi cho thực phẩm vào xào, nêm mắm muối vừa đủ, nấu chín; sau đó cho thêm 1-2 thìa dầu ăn trộn đều là xong.

Xuân Thanh

Theo phapluatxahoi.vn