"Cuộc đời mới"của đảo Chumbe

Chumbe là một đảo nhỏ, trước đây không hề có người ở với diện tích khoảng 25ha và có đa dạng sinh học cao cùng rạn san hô, hệ sinh thái rừng độc đáo. Nền cốt của hòn đảolà sự hình thành bồi đắp của các rạn san hô.

Các loài động vật sống có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như linh dương hoẵng Ader, cua dừa... đều sống trên đảo với số lượng lớn. Mặt khác, người ta cũng tin rằng rạn san hô ở Chumbe nắm giữ đến 90% các loài san hô hiếm ở Đông Phi và 424 loài cá. Ngoài ra, đảo cũng có cả những ‘’cánh đồng’’ cỏ biển khá hiếm hoi trên thế giới.

Đảo Chambe, Tanzania có đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên đẹp

Đảo Chambe, Tanzania có đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên đẹp

Năm 1991, một đơn vị tư nhân đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh và tìm kiếm hợp đồng để xây dựng và biến đảo Chumbe thành một Khu vực bảo vệ biển có quản lý tư nhân (MPA). Nơi này sẽ được phát triển kinh tế theo hướng du lịch sinh thái. Kế hoạch được trình lên Chính phủ Zanzibar, lúc bấy giờ chính phủ này có quyền tự quyết trong các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp quốc tế và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Sau đó, năm 1992, nhận thấy nhu cầu phát triển du lịch và những lợi ích lâu dài về kinh tế, chính phủ Zanzibar phát triển Công viên san hô Đảo Chumbe trên đảo Chumbe. Họ cho rằng đây là yêu cầu cần thiết, không phát triển du lịch ở nơi danh thắng như vậy là uổng phí nhưng phát triển du lịch mà phá vỡ cảnh quan thì lại là sai lầm. Do đó, một công ty quản lý công viên mang tên CHICOP được ra đời.

Theo đó, khoảng 2.44ha đất trên đảo được dọn sạch để trở thành công viên trong vòng 33 năm. Và cũng từ đó, Chumbe bước sang một cuộc đời mới với sự bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng theo hướng sinh thái.

Chính sách bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng ở Chumbe

Kể từ khi được thành lập, CHICOP nhận ra rằng một bản quy hoạch và chính sách bảo tồn đa dạng sinh thái là bắt buộc để vừa phát triển được kinh tế thông qua du lịch mà lại không phá vỡ cảnh quan môi trường. Ban quản lý này cùng xác định việc quy hoạch không thể thực hiện trên quy mô hẹp mà phải tiến hành trên phạm vi toàn đảo và cả vùng biển xung quanh.

Chambe nhìn từ trên cao vẫn tràn ngập màu xanh của cây rừng cùng làn nước biển sạch

Chambe nhìn từ trên cao vẫn tràn ngập màu xanh của cây rừng cùng làn nước biển sạch

Bước đầu tiên, một số các điều kiện được đồng ý để thực hiện trên một quy mô nhỏ thử nghiệm. Các điều kiện này bao gồm các đơn vị có hạ tầng phục vụ du lịch phải bảo vệ môi trường, cả không gian đất liền và biển mà họ khai thác.

Hạn chế các ảnh hưởng đến thực vật và động vật bản địa; các hạ tầng như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng… phải xây dựng cách vách núi ít nhất 2m để đảm bảo không ảnh hưởng đến địa chất vùng. Cấm chặt cây trưởng thành; hạn chế xóa bỏ thảm thực vật trong khu vực xây dựng nếu không cần thiết; vật liệu xây dựng phải lấy từ bên ngoài Chumbe, ngoại trừ việc khai thác đá cho mục đích đặt nền móng; cấm mang thực vật ngoại lai đến Chumbe và để các ‘’hồ bơi thủy triều’’ ở dạng tự nhiên của nó.

Ngoài ra, CHICOP cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch ở Chumbe phải thường xuyên nâng cấp các công nghệ, kĩ thuật hiện đại trong hoạt động mở cửa và vận hành du lịch của mình.

Chằng hạn như, hệ thống tích trữ nước mưa phải được trang bị để đáp ứng nhu cầu về nguồn nước ăn, nước sinh hoạt bởi vì đảo Chumbe có ít nước sạch hơn là mưa; hệ thống nhà vệ sinh ủ phải được trang bị và giám sát để đảm bảo không rõ rỉ chất ô nhiễm ra môi trường.

Bên cạnh đó, các yêu cầu đặc biệt cũng được đặt ra, chẳng hạn như bắt buộc phải có hệ thống dẫn và xử lý nước thải, tuyệt đối không được thải ra biển.Hàng năm, CHICOP cũng phải thực hiện các báo cáo về tình hình biển, môi trường, các vấn đề gặp phải và cách giải quyết cũng như kết quả của việc giải quyết lên chính phủ.

Thực hiện nghiêm túc các chính sách

Các khu nghỉ dưỡng trên Chumbe đều được sắp xếp theo một mô hình hình học đơn giản, đặc biệt để thỏa mãn những điều kiện mà CHICOP đưa ra. Cách thức xây dựng chúng cũng được thực hiện theo phương pháp xây dựng truyền thống với các vật liệu có sẵn được lấy từ đảo Zanzibar. Điều đáng chú ý là những vật liệu này chỉ được vận chuyển bằng thuyền buồm vào lúc thủy triều lên cao để tránh gây hư hại đến rạn san hô.

Dạng nhà Casuarina được sử dụng làm kết cấu chính, hình thành nên những mái nhà hình vỏ sò được bao quanh bởi cây cối xanh tốt cho các khu nghỉ dưỡng. Việc tạo ra những mái nhà hình vỏ sò này cũng rất hữu ích cho việc tích trữ nước của từng ngôi nhà. Mỗi ngôi nhà được trang bị các công nghệ sinh thái để tự tạo ra điện thông qua nước mưa, màng lọc, đung sôi nước bằng quang năng và pin năng lượng mặt trời.

Những ngôi nhà banda mái sò nằm xen kẽ giữa các tán cây rừng

Những ngôi nhà banda mái sò nằm xen kẽ giữa các tán cây rừng

Những ngôi nhà này được gọi là banda. Banda được đặt ở gần bờ rừng, hứng mặt ra biển, với sàn nhà cao để cho phép du khách thưởng ngoạn phong cảnh và cũng để tạo phần bể chứa bên dưới. Hệ thống vệ sinh của banda được thiết kế để không có một chất gây ô nhiễm nào lọt ra bên ngoài mà được phân hủy hoặc tái sử dụng cho mục đích khác.

Thậm chí, việc xây dựng các banda cũng không được phép di chuyển các cây quanh nó, đối với những cây già cỗi, các khu nghỉ dưỡng phải có trách nhiệm trồng thay thế bằng cây dừa, không được sử dụng loại cây nào khác.

Thêm vào đó, các loại cây phát triển không chiếm diện tích mà có khả năng tiêu thụ nhiều chất dinh dưỡng sẽ được trồng trong một ô đất vườn nhỏ để lọc và xử lý trực tiếp các nước qua sử dụng từ nhà tắm và nhà hàng. Để bảo vệ động vật sống về đêm khỏi ô nhiễm ánh sáng, ánh sáng nhân tạo sẽ không được sử dụng bên ngoài các banda. Thay vào đó, để đi bộ trên bãi biên hay các con đường mòn, du khách sẽ được phát những chiếc đèn pin năng lượng mặt trời.

Hệ sinh thái của Chambe vẫn được giữ nguyên sau 25 năm bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng phục vụ du lịch

Hệ sinh thái của Chambe vẫn được giữ nguyên sau 25 năm bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng phục vụ du lịch

Sang năm hoạt động thứ hai, CHICOP làm việc với chính phủ để thiết kế 2 khu vực bảo tồn mới và sắp xếp việc quản lý xây dựng cho những vùng này.

Năm 1994, CHICOP kí thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp, Đất đai và Môi trường (MALE) lúc bấy giờ, tuyên bố rằng vùng đảo phía Tây sẽ là nơi cư trú của san hô Chumbe và CHICOP có trách nhiệm bảo tồn, kiểm soát và quản lý các hoạt động du lịch của vùng. Đến nay, CHICOP đã thực hiện việc bảo tồn và quản lý sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng tại đảo Chumbe được hơn 30 năm.

Như vậy, tổng cộng, có khoảng 1.2 triệu USD được đầu tư để bảo tồn và phát triển du lịch ở Chumbe, trong đó có 39% số vốn được sử dụng để phát triển BĐS nghỉ dưỡng và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Ngày nay, đảo Chumbe đã trở thành khu vực đầu tiên bảo vệ biển (MPA) ở Tanzania, hình mẫu cho nhiều MPA sau này của quốc gia này và là mô hình bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng tại khu vực danh thắng thành công cho nhiều quốc gia phải học hỏi.

Tham khảo thêm tại:IUCN, Wikipedia,UNESCO tools và Chumbe Island.

 

Theo Reatimes.vn