Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018. Ảnh: T.Hoa
 

Sáng 20/12, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018. Tại Hội thảo, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, năm 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thương mại tăng trưởng chậm hơn dự báo chủ yếu do căng thẳng chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng tiếp tục kéo dài. Lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao hơn năm 2017 do giá dầu bình quân tăng trên 30%.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Theo ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,9 - 7%, là mức cao nhất 10 năm, nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm thuỷ sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố; tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.

Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng trong năm nay giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn; ngành ngân hàng có sự tăng trưởng tốt về mọi mặt như tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 14 triệu tỷ đồng, thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định.

Tại Hội thảo, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo: Năm 2019, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Khả năng đồng USD tăng sẽ không nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn; lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.

Trên thế giới, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra tại các nước phát triển nhưng thận trọng và dè dặt hơn. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần thay vì 3 lần như dự báo trước đó. Do đó, đồng USD được dự báo tăng không nhiều, thậm chí Citigroup, Goldman Sachs còn dự báo giảm.

Theo ông Trương Văn Phước, tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam có thể đạt ở mức 7%. Lý do kinh tế Việt Nam có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế như: Hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; triển vọng từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các hiệp định thương mại khác.

Về lạm phát, áp lực khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh là không nhiều do giá cả hàng hóa thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ. Các tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, thì CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%.

PV

Theo congluan.vn