Cuộc chiến giữa taxi, xe ôm truyền thống và Grab, Uber lúc âm ỉ, dai dẳng, có khi lại bùng nổ cao trào nhưng chưa bao giờ kết thúc kể từ khi 2 hãng cung cấp dịch vụ đặt xe chuyên chở hành khách cá nhân này đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2014.

Lý do chính mà các tài xế và các doanh nghiệp vận tải truyền thống đưa ra là sự xuất hiện của Grab và Uber cùng các quy định bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã khiến doanh thu của họ sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí chỉ còn 1/2 - 1/3 so với thời điểm trước đó.

Tuy nhiên, thay vì việc tìm cách tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm hướng đi mới, giảm giá thành, tăng chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng thì cả cá nhân các tài xế và các công ty kinh doanh dịch vụ này lại lựa chọn những biện pháp tiêu cực như dọa dẫm, chửi bới, dọa kiện, đổ lỗi hay đánh hội đồng tài xế Grab, Uber.

Gần đây nhất là vụ một tài xế Grabbike bị xe ôm truyền thống đâm tràn dịch phổi khi đến đón khách ở đường Nguyễn Tri Phương, TPHCM vì cho rằng anh này “tranh giành khách”. Trước đó, các vụ xô xát tương tự nhưng ở cấp độ ít nghiêm trọng hơn diễn ra như cơm bữa ở khắp các bến tàu, bến xe và các điểm tập trung đông xe ôm truyền thống, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam như TPHCM, Đồng Nai,...

Một số tài xế taxi truyền thống tìm kiếm sự thương hại từ các khách hàng như bác tài hãng Sao Thủ đô gắn băng-rôn kêu gọi: “Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia” nhằm đánh vào tâm lý yêu nước của khách hàng hơn là hấp dẫn họ bởi giá thành hợp lý và chất lượng tốt trong khi đây mới là yếu tố sống còn của bất kỳ hãng dịch vụ nào.

Ảnh chụp trưa ngày 18/5/2017 trên đường Đại Cồ Việt, Hà Nội. Ảnh: Phương Hiếu Anh. 

Còn tập đoàn Mai Linh, khi công bố lợi nhuận năm 2016 âm gần 84 tỷ đồng, thấp nhất trong 5 năm gần đây, người đứng đầu tập đoàn đã nhắc đến Uber và Grab như một trong số những nguyên nhân chính khiến 2016 trở thành một năm khó khăn của Mai Linh và các hãng taxi truyền thống.

Vinasun, một thương hiệu vận tải lớn khác, vốn độc tôn đa số thị phần taxi ở TPHCM trong nhiều năm qua cũng vừa công bố sẽ giảm hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2017 từ hoạt động vận chuyển hành khách với lý do chính là sự cạnh tranh khốc liệt từ Grab, Uber khiến lượng khách sụt giảm rõ rệt.

Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinasun thậm chí còn cho biết ông và 10.000 lái xe của hãng sẽ ký đơn khởi kiện các công ty công nghệ như Uber, Grab và Bộ Giao thông - Vận tải vì những cạnh tranh không công bằng vào đầu tháng 5 này.

Không chỉ ở Việt Nam, làn sóng phản đối Grab, Uber đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây ở khắp các quốc gia châu Á, châu Âu, từ Malaysia cho đến Anh, Đức, Tây Ban Nha,.. với nhiều hình thức như: Hành hung, tấn công tài xế, phá hoại xe cộ, biểu tình, kêu gọi chính phủ “đuổi cổ” các “ứng dụng bất hợp pháp” này… nhưng đều không đạt được kết quả như mong muốn.

Biểu tình phản đối dịch vụ Uber ở Tây Ban Nha

Biểu tình phản đối dịch vụ Uber ở Tây Ban Nha

Một tài xế taxi ở Italia mặc áo có dòng chữ:

Một tài xế taxi ở Italia mặc áo có dòng chữ: "Hãy chọn taxi trắng truyền thống chứ đừng chọn các hãng taxi bất hợp pháp".

 Như vậy, có thể thấy rằng, một khi Grab, Uber hay bất kỳ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nào hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật thì không phải chính quyền mà chính hành khách mới là người quyết định sự tồn tại và phát triển của họ.

Còn nếu sự thiếu hụt về hành lang pháp lý là nguyên nhân chính dẫn đến những lùm xùm quanh nghĩa vụ đóng thuế của Grab, Uber và là lý do kêu gọi tẩy chay các hãng này thì trách nhiệm kiện toàn văn bản pháp luật phải thuộc về các cơ quan nhà nước chứ không phải Grab hay Uber.

Chính vì vậy, dù là nắm đấm hay những lời đe dọa và kêu gọi đi xe ôm, taxi truyền thống nhằm “bảo vệ nguồn tài chính quốc gia” vẫn là chưa đủ để người tiêu dùng có thể từ chối những tiện ích đáng kể mà Grab hay Uber mang lại cho họ: Dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn, giá thành rẻ hơn, ít rủi ro khi di chuyển hơn, thanh toán tiện lợi hơn,…

Thực tế cho thấy, không chỉ đối với dịch vụ vận tải hành khách mà trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào thì khách hàng cũng là người quyết định sự tồn vong của một doanh nghiệp, thậm chí là một ngành nghề. Họ là người bỏ tiền mua dịch vụ, sản phẩm, họ có quyền đòi hỏi những dịch vụ tốt nhất với giá thành thấp nhất. Không có doanh nghiệp hay tập đoàn nào có thể kêu gọi người tiêu dùng “thương” mình và đòi hỏi người tiêu dùng không quay lưng khi giá dịch vụ thì cao gấp đôi còn chất lượng thì chưa tương xứng.

Bởi lẽ, nếu người tiêu dùng thương doanh nghiệp thì ai sẽ thương túi tiền của họ?

Theo Đỗ Hà/ Reatimes.vn