Một mùa Xuân mới đã cận kề, từ thành thị tới nông thôn, từ biên cương tới hải đảo, sắc xuân đang dần thắm đượm trong mỗi nếp nhà, mỗi góc phố, hàng cây và trên gương mặt người hân hoan, hạnh phúc. Sau những bận rộn lo toan suốt một năm ròng, ai cũng mong chờ giây phút đoàn viên.

Nhưng trong giây phút chuẩn bị tiễn biệt năm cũ, từ biên giới cho đến hải đảo xa xôi, vẫn còn có những người chiến sĩ đang âm thầm làm nhiệm vụ “Xuân canh biển, Tết gác trời” để giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”

Với đường biên giới dài hơn 4.600km chung với các nước Lào, Trung Quốc và Campuchia, nước ta có 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã, thành phố và 435 xã, phường, thị trấn có đường biên giới trên đất liền. Trên hơn 4.600 km ấy có thể nói không một tấc đất nào không in dấu chân của những cán bộ, chiến sĩ biên phòng, mà phần nhiều trong số đó còn rất trẻ. Các anh chính là lá chắn thép, là chỗ dựa vững vàng của đồng bào miền biên ải.

Vững tay súng bảo vệ biên cương

Để có một biên cương vững vàng, sáng rỡ như hôm nay, những người lính trẻ ấy đã phải hy sinh, chịu đựng rất nhiều khó khăn, vất vả. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng phần lớn các anh đều phải sống xa gia đình, xa vợ con, nhiều khi đến nửa năm mới được về phép có một lần. Thậm chí có anh vợ ốm, con đau cũng chỉ biết viết thư, gọi điện về thăm hỏi, vì đường xá xa xôi, vì nhiệm vụ. Và, cũng có rất nhiều anh phải đón Tết cùng với biên cương, cột mốc.

Thậm chí, có nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nhiều năm không về quê đón Tết cùng gia đình, họ đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, bám trụ với biên cương để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân đón Tết. Vì thế mà mỗi dịp cuối năm, các đồn trạm biên phòng đều chuẩn bị rất đầy đủ để tổ chức cho các chiến sĩ đón Tết sum vầy, ấm cúng để anh em vơi đi nỗi nhớ quê nhà, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Từ nhiều năm nay, cứ đến mỗi dịp cuối năm, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Kon Tum luôn chủ động làm tốt công tác tăng gia sản xuất để phục vụ Tết Nguyên đán. Hầu như đơn vị nào cũng có đàn gia súc, gia cầm các loại, đảm bảo tốt đời sống cho bộ đội vui Xuân, đón Tết. Với phương châm “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum còn chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, thực hiện nghiêm túc các chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy, tuần tra, mật phục ở những vị trí xung yếu, không để bị động bất ngờ. Đồng thời, tăng cường giao lưu, phối hợp với các đồn, chốt bảo vệ biên giới của nước bạn Lào, Campuchia nhân dịp Tết cổ truyền để nắm chắc tình hình, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới.

Các đội công tác địa bàn cũng thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con, nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn mọi hoạt động của các đối tượng lợi dụng Tết cổ truyền để gây rối an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình chính sách, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để bà con yên tâm đón Tết nơi biên giới.

Mùa xuân là mùa của sự đoàn tụ, sum họp, thế nhưng với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, nhiều cán bộ, chiến sỹ đành gác lại niềm hạnh phúc riêng để cùng đồng đội tuần tra, canh gác, cùng đồng đội giữ gìn bình yên nơi tiền tuyến. Chiến sĩ trẻ Đinh Tiến Đông, Đồn Biên phòng Bờ Y, Kon Tum tâm sự: “Năm 2018 là năm đầu tiên em ăn cái Tết cùng anh em trong đơn vị. Lúc ấy cũng nhớ nhà, nhớ người thân lắm, nhưng rồi em nghĩ, khi mình đã khoác trên vai màu áo lính thì cũng cần phải gác lại tình riêng. Mình có vững chắc tay súng thì mới bảo vệ được biên cương, giữ yên bình cho đất nước và cho chính những người thân của mình”.

Còn Đại úy Xiêng Văn Thang, dân tộc Giẻ Triêng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Bờ Y cho biết: “Tết với chiến sĩ biên phòng thường đến sớm hơn khoảng 10 ngày. Bởi thời gian đó, cán bộ chiến sĩ của Đồn vinh dự được đón các đoàn công tác của tỉnh, huyện, hay người thân đến thăm, chúc Tết. Còn sau đó, chúng tôi lại trở về với công việc hằng ngày, lên kế hoạch tuần tra, nắm chắc tay súng giữ vững biên cương của Tổ quốc”.

Đêm 30 Tết hàng năm, các đơn vị biên phòng đều rộn ràng trong không khí vui tươi; mỗi chiến sĩ góp vui bằng những lời ca, tiếng đàn, kể chuyện hay thể hiện những tài lẻ của mình để giao lưu với đồng đội, với nhân dân. Những chương trình văn nghệ đậm chất “cây nhà lá vườn”, những trò chơi tập thể dù cho là năm nào cũng có đấy nhưng dường như năm nào cũng vẫn nguyên vẹn niềm vui, ngập tràn hương xuân.

“Xa nhà vào thời khắc giao thừa, có ai không khỏi trào dâng bao cảm xúc khó tả, dù vậy, các chiến sĩ vẫn tự động viên bản thân, động viên lẫn nhau “gói ghém” bao nỗi nhớ nhà để hoàn thành nhiệm vụ. Đối với tôi cũng như những chiến sĩ khác, gia đình chính là hậu phương vững chắc để bản thân yên tâm công tác”, Trung úy Nguyễn Quốc Dương, Đồn Biên phòng Huổi Luông (Lai Châu) chia sẻ.

Cũng theo Trung úy Dương thì tuy không được gần gia đình, nhưng các anh lại có sự sẻ chia của người dân trên địa bàn. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp gần Tết, đồng bào và các chiến sĩ lại cùng nhau chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, lá dong, lạt để bắt tay vào gói bánh chưng. Chính tình cảm của nhân dân giúp mỗi chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà, an tâm thực hiện nhiệm vụ. Cái Tết dẫu có đơn sơ nhưng ấm nồng tình đồng chí, quân dân. Đối với người chiến sĩ, đồng bào nơi đơn vị đóng quân cũng chính là “gia đình” thứ hai; còn đối với nhân dân, họ luôn xem các chiến sĩ biên phòng chính là anh em ruột thịt, luôn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cùng nhau giữ bình yên cho cuộc sống tại nơi đơn vị đứng chân.

Vững vàng tay súng giữa mùa Xuân

Nếu nói nơi biên cương đầy rẫy hiểm nguy, vất vả thì những người lính làm nhiệm vụ giữa trùng khơi cũng nhiều gian nan, khó khăn không kém. Vì thế, sẽ không thể đầy đủ nếu không nhắc tới những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ ngoài hải đảo, cũng luôn vững tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, an ninh biên giới vùng trời, vùng biển, đảo.

Tết giữa biển khơi không ồn ào và náo nhiệt như ở phố thị, nhưng năm nào cũng vậy, không khí đón Xuân ở quần đảo Trường Sa với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao lành mạnh và rất nhiều tình cảm yêu thương từ đất liền gửi ra thông qua những chuyến tàu chở hàng Tết luôn làm cho mỗi người con đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió ấm lòng.

Tết nơi đầu sóng, ngọn gió dường như đến sớm hơn so với mọi nơi. Đó là khi những cán bộ, chiến sỹ được đón nhận tấm lòng ấm áp của hậu phương hướng về hải đảo thông qua những chuyến tàu chở hàng. Bên cạnh đó, những tình cảm, lời động viên từ hậu phương chứa đựng trong những cánh thư cũng sẽ giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà, thêm vững vàng tay súng nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Minh Hải, đóng quân ở đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: “Vui nhất là được tham gia gói bánh chưng đón tết anh ạ. Cảm giác gần gũi, thân thương chả khác là mấy so với ở đất liền, khi quây quần bên nồi bánh đêm ba mươi cùng bố mẹ canh đón giao thừa. Gia đình thì ai cũng nhớ, nhưng nhiệm vụ là trên hết, đó là một công việc thiêng liêng và đối với em đó là niềm tự hào. Môi trường biển đảo khắc nghiệt sẽ giúp em rèn luyện được bản lĩnh và ý chí”.

Còn Thiếu tá Phạm Văn Tâm, Chính trị viên Cụm chiến đấu số 1 đảo Trường Sa, bộc bạch: “26-27 năm công tác, thật sự là tôi không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu cái Tết xa nhà và từng đón Tết ở đâu trên mảnh đất hình chữ S. Là người lính đảo, dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không tránh khỏi cảm giác nhớ gia đình, nhớ người thân. Nhưng dù nhớ đến đâu thì ai cũng hiểu rằng chắc chắn sẽ không có người vợ nào không vui khi chồng mình hoàn thành sứ mệnh với đất nước, điều đó đã trở thành sức mạnh cho mỗi người lính chúng tôi vượt qua nỗi nhớ để vững vàng tay súng canh giữ tiền tiêu của Tổ quốc”.

Với tinh thần “Vui Xuân mới không quên nghiệm vụ”, “Quyết giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”, hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ Biên phòng, Hải quân trên cả nước vẫn đang lặng thầm tuần tra, vững vàng tay súng giữa mùa Xuân. Chính nhờ tinh thần hy sinh cao cả, vượt qua mọi khó khăn thử thách ấy của các anh mà biên cương hôm nay vẫn vẹn tròn một dải, từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau.

Theo Công lý