1. Nhà thờ Đức Bà TP. Hồ Chí Minh (1863 - 1865)

Nhà thờ Đức Bà (1863 - 1865)

Nhà thờ Đức Bà (1863 - 1865)

Nhà thờ Đức Bà do kỹ sư người Pháp tên Bourard chỉ huy xây dựng, bắt đầu khởi công ngày 7 tháng 10 năm 1877 và đến tháng 4 năm 1880 thì khánh thành. 

Nhà thờ Đức Bà tọa lạc ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh (quảng trường mang tên Công xã Paris) là một công trình kiến trúc bề thế với hai tháp chuông cao 57m, Thánh đường dài 133m, ngàng 35m và cao 21m. Dưới hai lầu chuông đặt 6 chuông lớn nặng 25.850kg.

Năm 1959, được sự đồng ý của Tòa Thánh Vatican, Nhà thờ Đức Bà được đặt tên là Vương Cung Thánh Đường. Và tình đến nay, Vương Cung Thánh Đường đã trên 140 tuổi.

Đây cũng là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc, một những công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của nhà thờ Đức Bà xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi), không bám bụi rêu. 

Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên.

Và một điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định lúc ấy và bây giờ.

Nhà thờ Đức Bà có rất nhiều điểm thú vị và tinh tế trong kiến trúc về tường, cửa kính, chuông, tượng Đức Mẹ... Mọi đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo thức Roman và Gôtich, tôn nghiêm và trang nhã.

2.  Nhà thờ Đá Phát Diệm Ninh Bình (1875 - 1899)

Nhà thờ Đá Phát Diệm (1875 - 1899)

Nhà thờ Đá Phát Diệm (1875 - 1899)

Nhà thờ đá Phát Diệm tọa lạc trên diện tích khoảng 22ha, tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ được xây dựng trong khoảng thời gian 24 năm (1875 - 1899), gắn liền với vai trò và công lao của linh mục Phêrô Trần Lục, còn gọi là Cụ Sáu, trong thời gian linh mục làm chính xứ giáo phận Phát Diệm.

Nhà thờ đá Phát Diệm là một quần thể kiến trúc độc đáo, đặc sắc, là sự kết hợp hài hòa giữa hai nền nghệ thuật Đông - Tây, giữa truyền thống và hiện đại và giữa hào khí tinh thần dân tộc với nét linh thiêng của công trình tôn giáo.

Nhà thờ đá Phát Diệm được thiết kế hình mái cong hệt như đình chùa nhà Phật cũng là nét kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam. Nhà thờ đá Phát Diệm được đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam.

Tất cả các công trình của nhà thờ đá Phát Diệm được bố trí trên một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, quan niệm của người Á đông “Tiền có thuỷ, hậu có sơn”, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.

Về tổng thể, công trình Nhà thờ đá Phát Diệm bao gồm 19 hạng mục: Ao Hồ, Phương Đình, Nhà thờ Lớn, nhà thờ Thánh Guise, nhà thờ Thánh Phêrô, nhà thờ Trái tim Đức Mẹ (nhà thờ đá), nhà thờ Trái tim Chúa Giêsu, nhà thờ Thánh Rô-cô…

Hơn 100 năm tồn tại, thời gian đã phủ lên công trình nét cổ kính, rêu phong trong từng vân đá, thớ gỗ nhưng sự bề thế trong vóc dáng, sự tinh tế trong từng đường nét chạm trổ hoa văn, điêu khắc gỗ, điêu khắc đá vẫn vẹn nguyên như thuở nào.

Có thể coi nhà thờ Phát Diệm là lối kiến trúc độc đáo nhất thế giới. Ngày nay, nhà thờ đá Phát Diệm đã trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo và là nơi gửi gắm tâm linh của bao khách hành hương đến từ những miền xa.

3. Nhà thờ Phú Nhai Nam Định (1886) 

 Nhà thờ Phú Nhai Nam Định (1886)

Nhà thờ Phú Nhai Nam Định (1886)

Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm của xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách thị trấn Xuân Trường hơn 1 km. Đây là một trong những ngôi nhà thờ có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam.  

Nhà thờ gốc được xây dựng từ năm 1886 có phong cách kiến trúc Gothic mang đậm dấu ấn Tây Ban Nha, sau đó năm 1993, nhà thờ Phú Nhai được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic nước Pháp. 

Nhà thờ có kích thước: Tháp cao 44m, dài 80 mét, rộng 27 mét, cao 30 mét. Hai tháp chuông cao 44 mét đặt 4 quả chuông được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng là: 2.000 kg – 1.200 kg – 600 kg và 100 kg.

Mặt tiền nhà thờ từ ngoài vào, bên phải có tượng đài Thánh Đaminh cao 17m, riêng phần tượng cao 2,3m. Bên trái có Lăng lưu trữ hài cốt của 83 người tử đạo thuộc họ đạo xứ Phú Nhai cao 15m.

Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá

Khi khách tham quan đứng trên ngọn tháp cao của nhà thờ Phú Nhai sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh không gian bát ngát của huyện Xuân Trường. Năm 2008, Đền thánh Phú Nhai được nâng lên hàng thành Tiểu Vương cung Thánh đường.

4. Nhà thờ Lớn Hà Nội (1887)

Nhà thờ Lớn Hà Nội (1887)

Nhà thờ Lớn Hà Nội (1887)

Nhà thờ Lớn Hà Nội là một công trình tôn giáo độc đáo tiêu biểu và đặc trưng nhất của nghệ thuật kiến trúc Gothic  thời Trung cổ ở châu Âu với những mái vòm uốn cong, rộng, mạnh mẽ, vững chắc hướng lên đỉnh trời, đón ánh sáng.

Phong cách này rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời.

Nhà thờ được khánh thành năm 1887 với tên gọi Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph). Gọi là Nhà thờ Lớn vì đây là công trình Công giáo lớn nhất ở Hà Nội. Vào mỗi dịp Lễ trọng của Công giáo, Nhà thờ lại đón mừng đông đảo con chiên, giáo dân và cả người ngoại đạo đến dự lễ và tham quan, chiêm ngưỡng kiến trúc của Nhà thờ.

Nhà thờ này cũng là nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Nhà thờ Lớn lộng lẫy với mái vòm cong nhọn vút cao. Những bức tranh Thánh bằng kính màu độc đáo, khu Cung Thánh được tô điểm bằng những đường nét chạm trổ hoa văn tài hoa, tinh tế…

5.  Nhà thờ Đá Sa Pa Lào Cai (1895)

Nhà thờ Đá Sa Pa (1895)

Nhà thờ Đá Sa Pa (1895)

Nhà thờ Đá Sa Pa được xây dựng từ năm 1895 là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại tại Sa Pa, Lào Cai. Nhà thờ ở vị trí trung tâm của thị trấn Sa Pa, đứng ở bốn phía đều có thể quan sát được di tích.

Nhà thờ Sa Pa tọa lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, nơi diễn ra những lễ hội đầy màu sắc của phố núi.

Nhà thờ được xây theo kiểu kiến trúc gothique La Mã, thể hiện rõ nét nhất là ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng, thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo, mái lợp ngói, trần bằng vôi rơm.

Tổng diện tích khuôn viên nhà thờ là 6000m2. Khu nhà thờ gồm 7 gian rộng 500m2. Tháp chuông cao 20m, trong tháp có quả chuông cao 1,5m, nặng 500kg.

Cùng với hai công trình kiến trúc khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành một hình tam giác cân đối với kiến trúc riêng biệt mang phong cách Pháp.

Sau hơn một thế kỷ hiện diện, nhà thờ đá Sa Pa vẫn trầm mặc đứng trên đài cao, là điểm đến không chỉ cho giáo dân quanh vùng mà còn là điểm du lịch tâm linh của du khách khắp mọi miền đất nước.

 

Theo Thúy Hà / Reatimes