Doanh nghiệp “chết lâm sàng”

Người ta thường dùng câu nói "trên thoáng dưới chưa thông” hoặc “trên bảo dưới không nghe”, "trên dải thảm dưới dải đinh", để ám chỉ thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của ngũ cán bộ, công chức tại một số địa phương, trong vấn đề thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp...

Câu chuyện Công ty TNHH Phương Hiền (Sầm Sơn, Thanh Hóa) có nguy cơ phá sản “dự án xe buýt điện”, do sự “bất tuân lệnh” của cấp có thẩm quyền thực trong thực thi nhiệm vụ là minh chứng cụ thể cho nhận định nói trên.

Theo đó, ngày 15/4/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 1220/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020. Trong đó, ưu tiên áp dụng các công nghệ hiện đại, an toàn và thân thiện môi trường để trang bị phương tiện, kiểm soát, vận hành hệ thống vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

Với mong muốn đưa TP. Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa là thành phố biển trở thành điểm đến hấp dẫn của khác du lịch trên mọi miền tổ quốc và thế giới, tạo ấn tượng đẹp trong lòng dư khách về một thành phố văn minh lịch sự không khói bụi, Công ty TNHH Phương Hiền (Viết tắt là Công ty Phương Hiền), có trụ sở tại thành phố Sầm Sơn đã xây dựng đề án thí điểm 02 tuyến xe buýt điện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP. Sầm Sơn.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn giao các Sở, ban, ngành liên quan lấy ý kiến về đề án của Công ty Phương Hiền. Trong đó, giao Sở Giao thông vận tải tổng hợp ý kiến các ngành, đơn vị; báo cáo Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến về việc thí điểm sử dụng xe buýt điện hoạt động trên phạm vi rộng (kết hợp ngoài đô thị).

Xe điện của Công ty Phương Hiền rơi vào cảnh đắp chiếu vì sự cố chấp của chính quyền Sầm Sơn?

Xe điện của Công ty Phương Hiền rơi vào cảnh đắp chiếu vì sự cố chấp của chính quyền Sầm Sơn? (Ảnh: An Nguyên).

Về việc này các sở, ngành của tỉnh Thanh Hoá cơ bản đều đồng thuận với đề án, có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc mở 02 tuyến xe buýt điện do Công ty Phương Hiền làm chủ đầu tư. Tại CV số 767/SGTVT-QLVT ngày 15/3/2018 của Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh và trước đó là công văn số 1619/SGTVT-QLVT ngày 22/5/2017 trình Bộ Giao thông vận tải, cả hai công văn này đều do ông Vương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hoá ký, nói rõ: Các ngành đều thống nhất về việc xin ý kiến thí điểm sử dụng xe buýt điện hoạt động trên phạm vi rộng, kết hợp ngoài đô thị, trọng điểm là tại TP. Sầm Sơn.

"Xe buýt điện là loại hình vận tải hành khách công cộng, thân thiện với môi trường, khi đưa vào sử dụng sẽ giảm lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, phù hợp với quy hoạch phát triển xe buýt giai đoạn 2013-2020 đã được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt", công văn nêu.

Ngày 12/6/2017, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký công văn hỏa tốc số 6192/BGTVT-VT gửi Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, trong đó có ý kiến đồng thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đối với việc thí điểm 02 tuyến xe buýt sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đề nghị Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi về Bộ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Sau khi có văn bản của Bộ Giao thông vận tải, Công ty Phương Hiền đã ký hợp đồng, đầu tư khoảng 12 tỷ đồng mua 40 xe điện 4 bánh từ nước ngoài (xe Mỹ), hình dáng đẹp, đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe đầy đủ thủ tục đăng kiểm được Cục đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải kiểm định...

Tuy nhiên, từ đó đến nay hàng chục xe buýt điện của doanh nghiệp này vẫn chưa thể hoạt động vì chưa được chấp thuận...

Trước tình thế này, Công ty Phương Hiền lại có văn bản "cầu cứu" gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Ngày 7/2/2018, Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản của Công ty Phương Hiền đến Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Thanh Hóa để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 6/3/2018, Bộ GTVT một lần nữa có văn bản số 2224/BGTVT-VT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo phê duyệt đề án đối với doanh nghiệp có nhu cầu thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng điện chở khách tại tuyến đường hạn chế đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố Sầm Sơn...

Vậy nhưng, thật lạ, trong tất cả các văn bản trả lời sau đó của UBND TP. Sầm Sơn đều cho rằng: “Hiện nay điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Sầm Sơn vẫn chưa đảm bảo. Do đó, UBND TP. Sầm Sơn đề nghị chưa áp dụng hình thức xe buýt 4 bánh chạy bằng xe điện 4 bánh hoạt động trên địa bàn”.

Sau thời gian dài chờ đợi, hàng chục xe buýt điện tiền tỷ được nhập về nhưng phải "đắp chiếu", Công ty Phương Hiền tiếp tục gửi đơn “cầu cứu” khắp các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương về việc xem xét, giải quyết dứt điểm cho Công ty đưa vào hoạt động 02 tuyến xe buýt điện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà đơn vị này đang gặp phải.

 

Tiếp đó cấp có thẩm quyền (Trung ương) tiếp tục ban hành hàng hoạt văn bản chỉ đạo việc để xử lý dứt điểm vụ việc trên.Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp này nhận được cũng chỉ là những văn bản chỉ đạo qua lại, giữa các cấp, ngành của tỉnh Thanh Hóa thay vì việc xử lý quyền lợi cho doanh nghiệp.

Theo Công ty Phương Hiền, việc chậm được giải quyết dứt điểm vụ việc khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, tổn thất về kinh tế, tồn đọng tiền lương và việc làm cho công nhân, tiền thuế, lãi suất vay ngân hàng....Hơn nữa việc đưa vào sử dụng hoạt động xe buýt điện sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt, là những lao động như thương binh, bệnh binh, con em gia đình chính sách.

“Chúng tôi đã thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật. Căn cứ vào quy định của pháp luật đã ban hành và tình hình thực tế trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, chúng tôi nhận thấy việc đưa vào hoạt động 02 tuyến xe buýt điện là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trong tình hình hiện nay”, ông Cao Duy Hồng, Giám đốc Công ty Phương Hiền, cho biết.

Đại biểu Quốc hội bức xúc 

Đáng chú ý trong vụ việc này là việc Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền (cấp dưới) khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền về việc thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn, đảm bảo công khai, minh bạch cũng như quyền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, không ít lần Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện Quốc hội đã tham gia chất vấn trực tiếp và gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, đề nghị giải quyết kiến nghị thí điểm xe buýt điện tại Sầm Sơn, đồng thời xử lý dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Thế nhưng sau tất cả những chỉ đạo, kiến nghị nói trên, doanh nghiệp vẫn rơi vào cảnh “chết lâm sàng”.

S

Sau hàng loạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp này vẫn "chết lâm sàng" và đối mặt với nguy cơ phá sản. (Ảnh: An Nguyên).

Không chấp nhận cách giải quyết có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm của một số cơ quan có liên quan thuộc tỉnh Thanh Hóa, ngày 25/1/2019, vị này tiếp tục gửi kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo làm rõ nhiều vấn đề xung quanh vụ việc nói trên.

Lần này, vị Đại biểu thẳng thắn: “Mặc dù tôi đã nhận được văn bản chất vấn của đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Thanh Hóa (về vụ việc nói trên), nhưng tinh thần các văn bản chủ yếu vẫn là đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết nghiêm túc kiến nghị của doanh nghiệp.

Đặc biệt vụ việc cho thấy rõ sự thiếu khách quan, không công bằng trong chỉ đạo điều hành cấp phép hoạt động cho Công ty Phương Hiền tham gia kinh doanh (trong đó có cả việc không cấp phép hoạt động và không cho Công ty Phương Hiền làm thủ tục nộp thuế hàng chục xe đã được mua, nhập khẩu). Ngược lại, UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND thành phố Sầm Sơn vẫn cho phép các đối tượng không đủ điều kiện hoạt động. Vấn đề này báo chí đã đưa tin, người lao động và công ty bức xúc, liên tục kiến nghị".

Ngày 2/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 12/2018. Thông báo có ghi, kiến nghị của Công ty Phương Hiền liên quan tới cấp phép sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn. Nội dung này đã được Chủ tịch UBND tỉnh trả lời doanh nghiệp nhiều lần.

Vì vậy trong khi chưa có hướng dẫn chỉ đạo mới của Trung ương, đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh không tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan để đề nghị cấp phép sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh, đồng thời yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan không tham mưu, giải quyết kiến nghị nêu trên.

Trong khi đó ngày 10/10/2018, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh nêu rõ: “Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền theo chỉ đạo của Thủ tướng...".

"Đây chứng tỏ là một trong những dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm lên cấp Trung ương, tìm cách gây khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy Công ty Phương Hiền vào tình trạng có nguy cơ phá sản, nhiều lao động là đối tượng gia đình chính sách vào cảnh khó khăn, không công ăn việc làm", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, ông Nhưỡng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết khẩn trương, nghiêm túc kiến nghị chính đáng của Công ty Phương Hiền để công ty sớm đưa phương tiện đã nhập khẩu, kiểm định vào hoạt động, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, góp phần phát triển du lịch và đóng góp cho ngân sách, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời chỉ đạo tiến hành thanh tra, xem xét, xử lý các sai phạm (nếu có) của cơ quan, đơn vị cá nhân có liên quan.

(Còn nữa)

Theo An Nguyên/Đô Thị Mới