Theo đó, BHXH là chính sách quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm chỉ đạo, được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện.

Chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã từng bước được hoàn thiện, góp phần ổn định việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Nhiều kết quả quan trọng đã đạt được như số người tham gia BHXH hàng năm đều tăng; các chế độ BHXH được bổ sung, hoàn thiện theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động...

 BHXH là chính sách quan trọng trong chính sách an sinh xã hội

Tuy nhiên, công tác BHXH cũng bộc lộ một số hạn chế như đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tỷ lệ bao phủ còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 23% lực lượng lao động, đối tượng tham gia BHTN chỉ đạt gần 20%; nhận thức của một số người sử dụng lao động, người lao động về lĩnh vực BHXH còn hạn chế...

Chấn chỉnh công tác khai trình lao động của doanh nghiệp

Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 15-NQ/TWNghị quyết số 21-NQ/TW; nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN vào năm 2020 theo yêu cầu Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấn chỉnh công tác khai trình lao động của các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện khai trình việc sử dụng lao động theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, xây dựng phần mềm quản lý lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc khai trình, cập nhật tình hình biến động lao động trong doanh nghiệp và kết nối với cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHTN.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, hạn chế nhận BHXH một lần; tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện chi sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu liên quan cần thiết với cơ quan BHXH để quản lý lao động, đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Thanh tra đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam chỉ đạo cơ quan BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho người lao động.

Kết nối thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để quản lý được đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới; người lao động đang làm việc, thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông trên phạm vi cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với tất cả các hoạt động trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN.

BHXH Việt Nam thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam