Không nói đến những trường hợp làm từ thiện, thì hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, hầu hết những thứ gắn với cái tên “Miễn phí” ở Việt Nam đa phần là một cách đánh tráo khái niệm hoặc chất lượng chẳng ra gì!

Cách đây ít năm, với chiến thuật "Nông thôn bao vây thành thị", Viettel đã phát hàng triệu cái điện thoại bàn cho nông dân.

Trước đấy, EVN Telecom được coi là doanh nghiệp tiên phong khi tung ra thị trường dịch vụ điện thoại cố định không dây với thương hiệu E-com vào năm 2006. Đối tượng mà đơn vị này nhắm đến là người tiêu dùng có nhu nhập thấp tại khu vực nông thôn có nhu cầu di chuyển trong bán kính khoảng 1 km. 

Thành công của EVN Telecom khiến hai doanh nghiệp khác là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Viettel cũng gấp rút kế hoạch "thâm nhập" thị trường.

Chiếc HomePhone của Viettel.

Chiếc HomePhone của Viettel.

3 doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ đã đẩy thị trường điện thoại cố định bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt.

Các đợt khuyến mãi giảm giá rầm rộ được đưa ra. Không chỉ tặng máy, miễn phí hòa mạng, thuê bao và giảm giá cước gọi, các doanh nghiệp còn cho nhân viên đến tận nhà tiếp thị với thủ tục hòa mạng nhanh chóng.

Hưởng ứng chương trình khuyến mãi này, nhà nhà đua nhau lắp điện thoại cố định, hết dịch vụ cố định không dây E-Com của (EVN Telecom) vô tuyến cố định G-Phone của VNPT và sau đó, lại chuyển sang xài HomePhone của Viettel.

Kết quả, sau một thời gian hết khuyến mại, anh em nông dân nhà ta cũng… bỏ đi hết.

Sau đó, khi mà điện thoại di động bùng lên, thì những chiếc điện thoại bàn, home phone biến mất như bong bóng.

Rồi hẳn những người dùng Beeline cũng sẽ khinh bỉ với ai đó nói trên mạng xã hội rằng: “28 tuổi mà không có 500 triệu thì quá kém!”.

Bởi vì chỉ cần mua 1 Sim Beeline là có ngay 1 tỷ đồng!... Độ tuổi nào cũng được. Và chúng ta còn được miễn phí 1 cái điện thoại đồ chơi như máy tính phổ thông.

VinaPhone cũng từng tặng điện thoại di động Miễn phí cho người dùng. Nhưng mà cái “cục gạch” nhanh chóng bị người dùng vứt vào sọt rác vì lởm quá.

Vì thế mà hầu như những thứ Miễn phí ở Việt Nam đều gieo vào đầu người nhận một sự nghi ngờ về động cơ thực sự phía sau chứ không phải sự phục vụ.

Bởi lịch sử đã chứng minh rằng, đằng sau cái gọi là Miễn phí ấy, người ta luôn phải trả một cái giá nào đó đắt hơn giá trị mình nhận được.

Như phần miền Miễn phí của BKAV để diệt virus trên máy tính. Nhưng nó lại chẳng khác gì 1 con virus không diệt được gì ngoài việc suốt ngày gạ gẫm người ta mua bản Pro, mà khả năng hiệu quả của nó là vấn đề mà nhiều người vẫn nghi ngại.

Giống như săn vé 0 đồng của Vietjet Air. Thực chất, ngoài cái “0 đồng” ra, mọi người còn bắt buộc phải trả thêm khoản thuế, phí đi kèm.

Nhiều người nhầm tưởng là Free nhưng lúc “bay lên giời” được không mất vài trăm nghìn thì chắc chỉ có nước chạy bộ theo máy bay.

Chương trình khuyến mãi vé 0 đồng của Vietjet Air được triển khai liên tục.

Chương trình khuyến mãi vé 0 đồng của Vietjet Air được triển khai liên tục. (Hình minh họa)

Chưa kể đến, vé 0 đồng không phải là thứ dễ “nuốt”. Chương trình tung giá vé 0 đồng thường chỉ tập trung trong đôi, ba tiếng ít ỏi, các vé 0 đồng này có quy định về thời gian khởi hành. Người “săn” chờ đợi rồi tranh giành mãi mới được cái vé ấy, cuối cùng, chẳng hợp với thời gian mong muốn, vừa tốn công lại chẳng được gì.

Rồi nó cũng giống như Sim Beeline, như điện thoại bàn Viettel, điện thoại di động của Vinaphone, BKAV... Người ta đều bỏ nó đi khi mà thấy nó rồi chẳng đem lại cho mình 1 giá trị nào đáng kể!

Theo PV tổng hợp/Gia Đình Việt Nam