Kỳ thi thử THPT Quốc gia 2019 vừa sức, giúp thí sinh tự tin hơn. Ảnh: Q.A

Kỳ thi thử THPT Quốc gia 2019 vừa sức, giúp thí sinh tự tin hơn. Ảnh: Q.A

Đề ra vừa sức, tự tin với 6.5 điểm trở lên

Nhận định về đề thi môn Lịch sử kết thúc vào trưa 29/3, thí sinh Nguyễn Đức Anh (lớp 12, THPT Việt Nam - Ba Lan) cho rằng: “Đề thi có cấu trúc tương tự đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Số lượng câu hỏi khó không nhiều, ít kiểm tra về ngày tháng nên chỉ cần nắm chắc kiến thức là có thể hoàn thành khoảng 65%. Tuy nhiên, đề ra có thêm câu hỏi thuộc phạm vi lớp 11, em sẽ tập trung ôn thêm phần kiến thức lớp 11 trong thời gian tới”.

Tương tự, ở 2 môn Địa lý và Giáo dục công dân, kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh cho rằng làm được bài, tự tin với điểm 6,5 trở lên vì đề ra vừa sức, phân bổ câu dễ và khó cũng phù hợp. “Môn Địa lý một số câu đòi hỏi vận dụng kiến thức, nhưng đa số là câu không khó, chỉ có một vài câu là mất thời gian trước khi chọn đáp án. Nếu đề thi chính thức được ra tương tự thế này, em tự tin mình sẽ đạt điểm khá. Thời gian vẫn còn để em ôn tập thêm, nhất là làm các dạng bài tập ở môn Địa lý”, Minh Anh (lớp 12, Trường THPT Quang Trung) cho biết.

Trước đó, sáng 27/3, Hà Nội đã tổ chức thi khảo sát lớp 12 THPT Quốc gia 2019 với môn Ngữ Văn với thời gian làm bài là 120 phút. Kết thúc thời gian làm bài môn Ngữ văn, nhiều học sinh cho rằng, đề thi thử không quá khó, phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh phải có kiến thức lịch sử.

Nhận xét về đề thi Ngữ văn, TS. Trịnh Thu Tuyết (Giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục Học mãi) cho biết, đề kiểm tra khảo sát lớp 12 THPT 2019 về cơ bản đã cập nhập được mô hình đề minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT.

TS Tuyết phân tích: “Đối với câu hỏi đọc hiểu, ngữ liệu đọc hiểu là một trích đoạn trong nhật ký Đặng Thùy Trâm - ngữ liệu có giá trị biểu cảm, đưa đến cho học sinh những xúc cảm mới về một thời chiến tranh đã khá xa với các em. Tuy nhiên, toàn bộ đoạn trích là một lời tự sự, giãi bày bộc bạch, tựa như một bức tranh tất cả đều ngoại hiện, cho nên hầu như không có nhiều vấn đề cho đọc hiểu.

Chính sự ngoại hiện tất cả các tầng ý nghĩa của ngữ liệu đã khiến cho các câu hỏi đọc hiểu dù có ý thức phân loại thành các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao nhưng tất cả đều ở mức độ thấp, chưa hoàn toàn tương xứng với sự tập dượt cho kì thi THPT quốc gia.

Ngoài ra, có thể thấy nội dung câu hỏi 1 và câu hỏi 3 là trùng lặp, dù được hỏi ở những mức độ khác nhau. Với yêu cầu vận dụng cao, nhưng câu hỏi 4 chưa đạt tới mức độ đó, bởi yêu cầu khá mơ hồ, chung chung: “Suy nghĩ của anh chị về dòng tâm sự của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm…”.

Cũng theo TS. Trịnh Thu Tuyết, câu nghị luận xã hội đảm bảo đúng yêu cầu về dung lượng đoạn văn (200 chữ); tuy nhiên phần giới hạn vấn đề cần có định hướng cụ thể hơn. Còn đối với câu nghị luận văn học, yêu cầu nghị luận đã bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT cho kì thi THPT Quốc gia 2019, cụ thể là yêu cầu phân tích 2 khổ thơ trong hai đoạn khác nhau của bài “Sóng” để làm sáng tỏ một nhận định trong đề.

Tuy nhiên, TS. Thu Tuyết nhận định, cách diễn đạt câu lệnh của đề còn bị rối và lủng củng khi đề cập đến “ý kiến nhận xét” trong câu đầu, lại yêu cầu “làm sáng tỏ nhận định trong câu sau”. Nên chăng diễn đạt lại câu lệnh cho sáng rõ, ví dụ: “Anh/chị hãy phân tích hai khổ thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh để làm sáng tỏ nhận xét: “Đó là những vần thơ thể hiện một tình yêu vừa rộng mở, lớn lao lại vừa thân thương, gần gũi”.

“Dễ thở” hơn so với đề thi Quốc gia 2018

 Đề thi thử Ngữ văn 2019.

Đề thi thử Ngữ văn 2019.

Đối với môn Tiếng Anh, nhiều học sinh cho rằng “dễ thở” hơn so với đề thi THPT Quốc gia 2018.

Tổng quan phạm vi kiến thức đề thi, theo các giáo viên dạy Tiếng Anh THPT tại Hà Nội, đề thi phổ rộng cả chương trình THPT, có xuất hiện cả các từ vựng và cấu trúc ngữ pháp ngoài chương trình học. Đề thi hoàn toàn phù hợp với học sinh đang trong giai đoạn ôn thi học kỳ và chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Các chuyên đề ngữ pháp cơ bản nằm ở chương trình lớp 12: Câu điều kiện, giới từ, mệnh đề quan hệ. Chủ đề từ vựng quen thuộc nằm rải rác từ lớp 10 - 11 - 12. Xuất hiện các cấu trúc ngữ pháp nâng cao, ngoài chương trình học: Cấu trúc nâng cao về mệnh đề nhượng bộ, cấu trúc đặc biệt với so/such, các collocation nằm ngoài chương trình học.

Về độ khó và sự phân bổ kiến thức, tỷ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu so với vận dụng, vận dụng cao là 60:40. Học sinh có thể dễ dàng đạt điểm trên trung bình. Đề thi sắp xếp không theo độ khó tăng dần mà đan xen các câu hỏi khó dễ trong từng dạng bài.

Có sự thay đổi về đơn vị kiến thức được kiểm tra trong từng dạng bài. Ví dụ bài trọng âm 2 câu đều kiểm tra 3 âm tiết. Dạng bài phát âm thường là dạng bài gỡ điểm, nhưng đề thi lại xuất hiện 1 câu hỏi ở mức khó hơn.

Các câu hỏi khó tập trung vào từ vựng như: Tìm từ đồng nghĩa trái nghĩa, các câu từ vựng trong phần hoàn thành câu và đọc hiểu. Phần đọc hiểu và điền từ nhẹ nhàng hơn so với đề thi THPT quốc gia 2018.

Còn theo nhận định của các chuyên gia, giáo viên môn Tiếng Anh của Hệ thống Giáo dục Hocmai, đề thi tăng độ khó ở phần cấu trúc ngữ pháp và từ vựng ở phần hoàn thành câu, từ vựng ở phần tìm từ đồng nghĩa - trái nghĩa nhưng đọc hiểu và điền từ độ khó giảm so với đề thi THPT Quốc gia 2018.

Đề thi của Hà Nội hoàn toàn phù hợp với mục tiêu khảo sát chất lượng. Học sinh học chắc sách giáo khoa có thể làm được 5 - 6 điểm.

Như vậy, trong 3 ngày, từ 27- 29/3, Hà Nội đã hoàn thành tổ chức khảo sát chất lượng giáo dục (được coi là thi thử THPT Quốc gia) đối với học sinh lớp 12 đang học tại các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Đợt kiểm tra nhận được phản hồi tích cực của các thí sinh sau mỗi buổi thi. Theo các thí sinh, đề ra cũng khá phù hợp, không quá khó, nắm chắc kiến thức là có thể đủ điểm đỗ tốt nghiệp…

Bước vào đợt kiểm tra, mỗi học sinh theo học hệ THPT kiểm tra bốn bài, trong đó có ba bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và một bài do học sinh tự chọn trong số hai bài: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các đơn vị không bắt buộc phải sử dụng điểm kiểm tra khảo sát. Tùy theo điều kiện, nhà trường có thể sử dụng kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên nhưng tuyệt đối không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ. Nhà trường cũng không được thu tiền của học sinh và gia đình học sinh để phục vụ cho đợt khảo sát này.

Theo đánh giá chung của một số giáo viên THPT tại Hà Nội, đề thi kiểm tra khảo sát chất lượng của Sở GD&ĐT Hà Nội có nội dung nhẹ nhàng hơn đề thi THPT quốc gia 2018 và đề thi tham khảo 2019, hoàn toàn phù hợp với các em học sinh đang ở giai đoạn ôn thi học kỳ cũng như chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Thông qua kỳ thi, các thí sinh có thêm kinh nghiệm trong thi cử, cũng như từ kết quả kỳ thi giúp thí sinh có được đánh giá khả năng thực sự của mình đến đâu để tiếp tục ôn tập từ nay đến lúc thi chính thức.

Quang Anh

Theo Giadinh.net.vn