Giá trị M&A 2019 có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD

Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.

Theo Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2019, năm 2017, Bia Sài Gòn với tổng giá trị M&A đạt mốc kỷ lục đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016.

Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu loại bỏ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt nam tăng 41,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD). Bên cạnh đó, theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước đạt 2,64 tỷ USD.

Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6 – 6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn.

Năm 2018, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều sụt giảm về giá trị M&A, và Việt nam đang xếp thứ 2 về giá trị M&A chỉ sau Thái Lan 9,3 tỷ USD, xếp trên Singapore 6,7 tỷ USD, Malaysia 5,1 tỷ USD, Indonesia 2,8 tỷ USD. 

Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics, giáo dục… 

Từ 7/2018 – 7/2019,  các công ty hoạt động đa ngành (19,67%), bất động sản – xây dựng (19,98%) và ngành sản xuất hàng tiêu dùng (10,53%) tiếp tục là hai ngành dẫn đầu trong hoạt động đầu tư và M&A tại Việt Nam.

Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 5-6 triệu USD (tương đương 100 - 120 tỷ VND), các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô vừa và lớn từ 20 - 100 triệu USD. Tỷ trọng các thương vụ ở quy mô này đang có xu hướng gia tăng trong một vài năm qua.

Những thương vụ siêu lớn đã xuất hiện tại Việt nam, với 1 – 2 thương vụ mỗi năm nhưng đóng góp tỷ trọng đáng kể vào kết quả M&A chung của thị trường. Giai đoạn 2018 – 2019, 30 thương vụ lớn nhất đã chiếm đến 70% tổng giá trị M&A của thị trường.

Nếu như 2017 là năm của Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Tham gia vào các thương vụ này nổi bật là các nhà đầu tư Hàn Quốc (SK Group, Hanwha), Vingroup (tổng giá trị thương vụ liên quan đến Vingroup, cả vai trò bên mua và vai trò bên bán lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn 7/2018 – 7/2019). Có 2 thương vụ thoái vốn đáng chú ý là An Quý Hưng – Vinaconex, thương vụ lớn nhất trong diện nhà nước thoái vốn và Saigon Coop – Auchan, thương vụ một doanh nghiệp Việt Nam mua lại chuỗi siêu thị do nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút khỏi thị trường Việt Nam.

Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 dù có những nỗ lực và kết quả nhất định nhưng có dấu hiệu chững lại. Cần tháo gỡ các rào cản và làm quyết liệt thì mới đạt mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ cũng như các nhà đầu tư. 

Phương án tốt nhất để thâm nhập thị trường là thông qua M&A

Theo ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, phương án tốt nhất để thâm nhập thị trường là thông qua M&A. Có thể góp vốn thành lập liên doanh hoặc mua lại cổ phần của nhà bán lẻ địa phương, nhà bán lẻ ngoại đang có mặt ở Việt Nam đang có tình hình kinh doanh không tốt.

“Thực tế, vài năm qua, M&A ngành bán lẻ lên ngôi tại Việt Nam. Đỉnh cao là năm 2016 - 2017 với giá trị chiếm tới 38,46% tổng giá trị của các thương vụ. Nếu mấy năm trước, nhà đầu tư ngoại áp đảo, thì những động thái gần đây cho thấy, các nhà đầu tư nội ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động hơn.

Trong đó, có những thương vụ điển hình. Đầu năm 2019, VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty cổ phần Nhất Nam và từ AEON  - đơn vị sở hữu 30% cổ phần”, ông Alex Crane nói.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, ông Lê Trọng Minh nhận xét, trong bối cảnh những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới dự kiến lần đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

 Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.

 Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.

"Để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư – kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.

Ngoài ra, vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Hay như các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam", ông Lê Trọng Minh chia sẻ. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống cũng khẳng định: “Trong 10 năm qua, Diễn đàn không chỉ đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài, mà còn đưa ra kiến nghị hữu ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về M&A”.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Căn cứ trên đề án này, Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên ban hành một nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.

Theo Hồng Phong/Đô thị mới