Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, ngày hôm qua (10/4), khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ đã có nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ phổ biến từ 35-38 độ C.

Một số nơi trên 39 độ như: Quỳ Châu (Nghệ An) 39.7 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An) 39.8 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 40.2 độ, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 39.8 độ, Đồng Hới (Quảng Bình) 39.9 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 39.5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 39.4 độ.

Dự báo, hôm nay (11/4), nắng nóng tiếp tục duy trì trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Sau đó, trong 1-2 ngày tới, các tỉnh miền Bắc sẽ đón rét nàng Bân, đợt lạnh cuối cùng của mùa Đông Xuân 2015-2016.

Tuy nhiên, đợt lạnh nhẹ này cũng chỉ duy trì trong nửa đầu tuần, từ giữa tuần trở đi, nắng nóng sẽ quay trở lại. Đáng lưu ý, vào những ngày cuối tháng 4, các tỉnh miền Bắc, miền Trung sẽ đón đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Dự báo, nền nhiệt cao nhất có thể lên đến 35-36 độ C.

 

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết: Do thời tiết đã chuyển về trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh nên mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng sẽ không gay gắt bằng năm ngoái. Mùa hè năm 2015, vào tháng 4 đã xuất hiện nắng nóng gay gắt nhưng năm nay thời tiết vẫn còn mát mẻ, đến cuối tháng 4 mới xuất hiện đợt nắng nóng đầu tiên. 

"Dù nắng nóng được dự báo không quá mạnh nhưng vẫn sẽ xảy ra những đợt nắng nóng kéo dài. Cao điểm nhất của mùa hè ở miền Bắc là từ tháng 5 đến tháng 7. Trung bình mỗi tháng xảy ra 3 đợt nắng nóng, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày" - ông Hải thông tin.

Trong năm 2015 đã xảy ra 17 đợt nắng nóng trên diện rộng. Các đợt nắng nóng kỷ lục xuất hiện trong tháng 5 và 6 tại khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến khoảng 39-42 độ C, một số nơi trên 42 độ C.

Theo ông Hải, vào thời điểm giao mùa, đặc biệt từ mùa lạnh sang mùa nóng, thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, sấm sét và mưa đá. Xung đột giữa các luồng đối lưu nóng và lạnh gây ra hiện tượng này, xảy ra nhiều nhất ở các khu vực miền núi.

Giông lốc, mưa đá và sấm sét xuất hiện nhiều nhất vào tháng 5, sau đó đến tháng 4 và tháng 6 vẫn còn nhưng tần suất ít hơn. Bởi vậy, người dân cần đề phòng những trận mưa xảy ra vào các tháng này trong năm. 

Giông lốc, sấm sét thường gây ra thiệt hại về người, người dân. Ông Lê Thanh Hải đã đưa ra những khuyến cáo cho người dân. Cụ thể:

Khi trời có dấu hiệu mây mưa, quan sát thấy hiện tượng những đám mây đen khổng lồ, chân mây hạ thấp tiến lại gần, người dân cần thận trọng đề phòng vì có thể xảy ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông lốc, sấm sét, vòi rồng... 

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do giông lốc, sấm, sét gây ra, người dân cần thực hiện các biện pháp đơn giản, hiệu quả như: Nếu ở trong nhà, nên đứng xa cửa, các đồ dùng điện, hạn chế sử dụng điện thoại khi ngoài trời đang có giông, sét. Khi ở ngoài trời, nếu gặp giông, sét bất ngờ, tuyệt đối không trú mưa dưới cây cối, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại...

Nên tìm chỗ khô ráo, tránh những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương, các vùng gò cao... Trường hợp khi đang làm việc ở ngoài đồng, nên ngồi riêng lẻ, trùm áo mưa hoặc nilon và càng hạ thấp độ nhô cao càng tốt. Tuyệt đối tránh tập trung thành nhóm đông người để giảm bớt tỷ lệ rủi ro./.

Theo Nhật Linh / Gia đình Việt Nam