Thực tế, những ngày giá rét vừa qua, tại các bệnh viện ở Hà Nội, lượng bệnh nhân là người cao tuổi phải nhập viện vì đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp tăng 10-20%, thậm chí có trường hợp tai biến nặng, tử vong do không được đưa đến viện kịp thời.

Thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. 

Đồng thời, đây cũng khoảng thời gian môi trường thuận lợi phát triển các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan như tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu...

Trong dịp lễ, Tết, nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người cũng là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, nguy cơ về các vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cao. Vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thời tiết tiếp tục rét đậm: Nguy cơ mắc bệnh gia tăng - Ảnh 1Trời lạnh khiến rất nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh dịch trong giai đoạn giao mùa, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; vật dụng đựng thức ăn phải được đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng cốc, thìa.

Người dân nên ăn thức ăn nóng, ấm, không nên ăn thức ăn lạnh vừa lấy trong tủ lạnh ra vì sử dụng thức ăn lạnh dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản. Tăng cường ăn các loại thực phẩm, trái cây giàu vitamin C như cam, quýt...; ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, gồm tinh bột, đạm động vật, chất béo, trái cây, đặc biệt trái cây sẫm màu (đỏ, vàng); cần bổ sung nước thường xuyên.

Ngoài ra, mỗi người lưu ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, đầu, ngực, cổ. 

Người dân nên tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu; hạn chế đến những chỗ đông người.

Theo baodansinh.vn