Tại Hội thảo Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 – 2035 diễn ra sáng ngày 28/8, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, với mức tăng bình quân trong 15 năm qua đạt 6,9%/năm nhưng quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực.

Việt Nam từ một nước thuộc nhóm các nước nghèo trên thế giới đã tiến lên thành nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên so với một số nước trong khu vực, mức GDP hơn 186 tỷ USD đạt được năm 2014 vẫn còn nhỏ và có chiều hướng chậm lại.

Cụ thể, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.

Bên cạnh đó, dù đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người Việt Nam so với các nước trong khu vực còn lớn và nguy cơ bị nới rộng.

GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam và 1 số nước trong khu vực

Từ năm 2008, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 1.145 USD, đến năm 2014 tăng lên 2.052 USD.

Đáng lưu ý, với mức bình quân này, Việt Nam chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 chỉ bằng:

  • 3/5 của Indonesia
  • 2/5 của Thái Lan
  • 1/5 của Malaysia
  • 1/4 của Hàn Quốc 
  • 1/27 mức GDP bình quân của Singapore

Hiện tỷ trọng nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá lớn so với một số nước trong khu vực, chiếm tới 38,3%, trong khi tỷ lệ này ở Philippines là 31,1%.

Về vấn đề năng lực cạnh tranh, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index – GCI) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia, theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Vân Hà (Tổng hợp)/Theo Ngày nay Online