Mới đây, Liên Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Bộ Khoa học & Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN về việc hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen - GMO bao gói sẵn.

Theo đó, từ ngày 8/1/2016 trở đi, thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông tại Việt Nam sẽ phải ghi nhãn “biến đổi gen” trên bao bì.

Đối với những sản phẩm có diện tích để ghi nhãn nhỏ hơn 10cm² thì trên nhãn bắt buộc phải có tên hàng hóa và cụm từ “biến đổi gen”. Những nội dung bắt buộc còn lại không thể hiện trên nhãn thì phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa.

Thông tư này áp dụng cho thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông tại Việt Nam có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm.

Quy định ghi nhãn này không áp dụng cho các đối tượng thực phẩm bao gồm:

  • Thực phẩm biến đổi gen tươi sống
  • Thực phẩm biến đổi gen chế biến không bao gói và trực tiếp bán cho người tiêu dùng
  • Thực phẩm biến đổi gen sản xuất chỉ nhằm mục đích xuất khẩu thì việc ghi nhãn phải đảm bảo không làm sai lệch bản chất, không vi phạm pháp luật của Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.

Từ ngày 8/1/2016 trở đi, thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông tại Việt Nam sẽ phải ghi nhãn “biến đổi gen” trên bao bì

Thực phẩm biến đổi gen là một kết quả về nghiên cứu về giống của các nhà khoa học trên thế giới.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã cho phép tiêu thụ thực phẩm biến đổi gen từ nhiều năm nay. Các chuyên gia trong ngành cũng đã khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm cho rằng dùng thực phẩm biến đổi gen là tốt thì nhiều ý kiến trái chiều lại cho rằng không an toàn, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Những ý kiến phản đối này đã khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam e dè khi sử dụng thực phẩm biến đổi gen bởi sự không chắc chắn về chất lượng của nhóm sản phẩm này.

Đồng thời, cũng chưa có những quy định cụ thể về nhãn mác, bao bì cho nhóm sản phẩm này.

Các chuyên gia trong ngành khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen không ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Thông tư 45 cũng quy định rõ: Thực phẩm biến đổi gen đã có nhãn hàng hóa không phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch này không được phép tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau ngày 8/1/2017.

Trường hợp thực phẩm biến đổi gen đang lưu thông trên thị trường chưa tiêu thụ hết thì được tiếp tục lưu thông nhưng không quá thời hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm.

Ngoài ra, miễn ghi nhãn bắt buộc đối với số nhóm thực phẩm biến đổi gen sau:

  • Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu
  • Thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự
  • Thực phẩm tạm nhập tái xuất; thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, thực phẩm gửi kho ngoại quan
  • Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu
  • Thực phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm.

Các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm, nhập khẩu về để sản xuất nội bộ không bán ra thị trường, chỉ vận chuyển nội bộ giữa các kho từ tỉnh này qua tỉnh khác thuộc cùng một hệ thống trong doanh nghiệp cũng được miễn ghi nhãn biến đổi gen.

Theo Tô Hà/Gia đình Việt Nam