Ezibo "thổi phồng" tác dụng

Theo Công luận, thời gian qua thực phẩm Ezibo – một loại thực phẩm chức năng được cung cấp bởi Công ty TNHH Tuệ Linh và được quảng cáo tràn lan trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng với công dụng như “thần dược” có tác dụng “trị ho, trừ ho” như một loại thuốc chữa bệnh.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã liên tục có những biện pháp mạnh tay để xử lý những doanh nghiệp cố tình vi phạm trong lĩnh vực công bố, quảng cáo các loại thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, một số công ty vẫn phớt lờ những quy định liên quan trong việc quảng cáo sản phẩm của mình khi cố tình quảng cáo lập lờ sản phẩm, khiến người tiêu dùng nhầm tưởng thực phẩm chức năng có công dụng như một thần dược, có tác dụng chữa được nhiều căn bệnh.

Nội dung maket quảng cáo được Cục An toàn Thực phẩm duyệt cho sản phẩm TPCN Ezibo của Công ty TNHH Tuệ Linh

Khi truy cập vào website http://ezibo.vn/ giới thiệu về sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Ezibo dạng viên và Ezibo dạng chai (Siro Ezibo), người tiêu dùng “hoa mắt chóng mặt” vì  sản phẩm được quảng cáo với đủ các loại công năng như một loại thuốc chữa bệnh.

Quan sát trên website, trong hầu hết các chuyên mục giới thiệu, quảng cáo về sản phẩm này đều không ghi khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Trên website http://ezibo.vn/, trong phần giới thiệu, quảng cáo, hỏi đáp đều có ghi sản phẩm này có khả năng “trị ho” hoặc “trừ ho” và hoàn toàn không ghi khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”

Đặc biệt, trong nhiều bài viết, chuyên mục nhằm giới thiệu và quảng cáo cho hai sản phẩm này như phần “Thông tin sản phẩm; “Điểm khác biệt”; “Vì sao nên sử dụng Ezibo”;… những dòng chữ “Ezibo là một sản phẩm trị ho” hoặc “Ezibo là một sản phẩm trị ho với 100% chiết xuất thảo dược tươi”;… thường xuyên được sử dụng dễ dẫn tới sự lầm tưởng đây là một loại thuốc trị bệnh ho.

TPCN Ezibo được Cty TNHH Tuệ Linh quảng cáo như một loại thuốc “trị ho”

Bên cạnh đó, trong mục “Hỏi đáp chuyên gia” trên trang thông tin này có phần câu hỏi, thắc mắc của người tiêu dùng về nơi mua, giá cả và cách sử dụng sản phẩm được đăng tải lại có phần trả lời của các “chuyên gia” là: “Đây là sản phẩm trị ho và bảo vệ hô hấp hoàn toàn từ thảo dược an toàn và hiệu quả đặc biệt có thể dùng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên (đối tượng trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh về hô hấp nhất)”.

Cùng với đó, trên website http://tuelinh.vn/, trong phần giới thiệu TPCN Ezibo Tuệ Linh cũng được gắn thêm dòng chữ “Ezibo là một sản phẩm trị ho có nguồn gốc từ tự nhiên” như một cách nhấn mạnh sản phẩm này có công dụng “trị ho” hiệu quả.

Theo tìm hiểu, Ezibo dạng viên và Ezibo dạng chai (Siro Ezibo) có số giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc số giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP lần lượt là 6675/2012/YT-CNTC và 21347/2013/ATTP-XNCB và cả hai sản phẩm đều do Công ty TNHH Tuệ Linh tiếp thị và phân phối.

Trong Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2088/2014/XNQC – ATTP và 2014/2014/XNQC – ATTP do Cục ATTP do Cục ATTP -Bộ Y tế phê duyệt đối với sản phẩm TPCN Ezibo và Siro Ezibo thì hai sản phẩm này chỉ cố công dụng “Bổ phế, giúp làm giảm ho, dịu niêm mạc hô hấp” chứ hoàn toàn không có công dụng “trị ho” như quảng cáo trên website http://ezibo.vn/ và http://tuelinh.vn/.

Có dấu hiệu nhờn luật

Trước đó, Công ty TNHH Tuệ Linh đã bị Cục An toàn thực phẩm phạt do không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ cho 4 sản phẩm thực phẩm chức năng của công ty theo quy định.

Công ty TNHH Tuệ Linh từng thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Viên giải độc gan Tuệ Linh, Dầu tỏi Tuệ Linh Garlic Oil trên website tuelinh.vn khi chưa được Cục ATTP  xác nhận nội dung quảng cáo.

Công ty này có địa chỉ tại tầng 5, Tòa nhà 29T1 Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Công ty TNHH Dược Tuệ Linh là doanh nghiệp sản xuất khá nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng, như giải độc gan Tuệ Linh, Tiền liệt vương Tuệ Linh, Giảo cổ lam Tuệ Linh… Các sản phẩm của Tuệ Linh đều được quảng cáo khá rộng rãi trên tivi.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, tránh để doanh nghiệp lợi dụng việc quảng cáo chiếm lĩnh lòng tin của khách hàng và bất chấp vệ sinh an toàn thực phẩm để thu lợi bất chính.

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.

Thực phẩm chức năng liên tiếp vi phạm

Trước tình trạng hoạt động thiếu lành mạnh của các trang web, công ty quảng cáo về TPCN, thời gian qua, Bộ Y tế đã xử phạt hàng loạt các đơn vị quảng cáo TPCN. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các doanh nghiệp đang ngang nhiên vi phạm pháp luật. 

Ông Trần Văn Châu (Cục An toàn thực phẩm) cho biết 9 tháng đầu năm 2015, riêng Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 172 cơ sở vi phạm, tổng tiền phạt trên 3,1 tỉ đồng. 

Trong số này 80% là vi phạm về quảng cáo thực phẩm, TPCN, với tổng số tiền phạt trên 2,4 tỉ đồng. Tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, ông Châu cho biết các sở y tế đã phạt 1 tỉ đồng riêng cho các sai sót về quảng cáo thực phẩm 
chức năng.

Cũng theo Báo Giao thông, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Thực phẩm chức năng dưới góc nhìn chống hàng giả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/9, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, mặc dù đã có chế tài với mức xử phạt cao nhưng tình trạng làm giả TPCN vẫn khó phát hiện, xử lý không xuể.

Ông Phong nhấn mạnh, DN không chỉ quảng cáo kiểu “bịp bợm”, thổi phồng tác dụng mà nhiều sản phẩm TPCN còn được “phù phép” thành thuốc chữa bách bệnh, thậm chí chữa được các bệnh nan y như ung thư.

“Tất cả quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh đều sai, nó chỉ hỗ trợ điều trị và giúp tăng cường sức khỏe, dự phòng bệnh tật. Việc quảng cáo thổi phồng tác dụng là rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng”, ông Phong cảnh báo.

Trong khi đó, việc công bố, đăng ký sản xuất, kinh doanh TPCN hiện nay, theo ông Phong đang quá dễ. Bên cạnh những cơ sở sản xuất TPCN được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thì cũng có nơi số vốn mở xưởng chỉ vài trăm triệu đồng. Có nhiều trường hợp DN chỉ thuê quầy hàng khoảng 10 m2 rồi đăng ký kinh doanh TPCN.

Sau đó, DN này thuê gia công sản phẩm tại một cơ sở sản xuất khác. Khi sản phẩm phân phối ra thị trường có vấn đề, cơ quan quản lý đi tìm DN thì họ đã chuyển sang địa điểm khác.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam