Cụ thể, theo thông tin được Bộ Y tế công bố, sản phẩm KukuminIP là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ do Công ty TNHH Gphar, địa chỉ tại B18+19, khu B Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội phân phối. Giấy phép quảng cáo sản phẩm số 01395/2018/ATTP-XNQC.

Thông tin trên giấy phép quảng cáo do giới chức năng cấp cho Công ty TNHH Gphar không có nội dung nào thể hiện công dụng sản phẩm có thể chữa “tận gốc” bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm ruột cấp và mãn tính, người bị u, bướu...

Tuy nhiên, trên trang Kukuminip.com và page Facebook “Kukumin IP – Cho người viêm loét & trào ngược dạ dày” lại đăng tải rất nhiều bài quảng cáo nói rõ sản phẩm Kukumin IP có tác dụng “điều trị bệnh”, “chống viêm tận gốc”, “chữa bệnh”…

Theo quy định, tất cả các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung đều không được phép sử dụng những cụm từ như vậy để quảng cáo sản phẩm. Thậm chí, các quảng cáo cũng phải rõ ràng, tránh làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Cụ thể, trên page “Kukumin IP - Cho người viêm loét & trào ngược dạ dày” có hàng ngàn lượt theo dõi đã thực hiện các chiến dịch truyền thông về sản phẩm Kukumin IP có tác dụng điều trị bệnh và chống viêm tận gốc. Các thông điệp được đưa vào hình ảnh, sau đó quảng cáo trên Facebook. Trên page này còn lạm dụng thư tín của bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm - điều mà pháp luật nghiêm cấm.

Kukumin IP chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không có tác dụng “điều trị” bệnh như quảng cáo.p/

Kukumin IP chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không có tác dụng “điều trị” bệnh như quảng cáo.

Theo Mục b, Khoản 3, và Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: “b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Ngoài ra, việc quảng cáo thực phẩm chức năng cũng phải tuân thủ Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT Quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Y tế: “c) Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh;

d) Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”.

Tuy nhiên, tại nhiều bài quảng cáo trên trang kukuminip không khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” theo quy định và nội dung quảng cáo cũng trái với các quy định liên quan đến quảng cáo.

Mặc dù quảng cáo trái quy định, không đúng bản chất sản phẩm, song, trang kukuminip còn không ngại khoa trương sản phẩm Kukumin IP là sự trông đợi của người Việt. Chẳng hạn, trong bài quảng cáo: “Tại sao Kukumin IP chứa Cucumin Y lại có tác động kép?” có đoạn: “Tiếp cận được với sản phẩm công nghệ tiên tiến phytosome với giá phù hợp là sự trông đợi của nhiều người Việt Nam trong công tác phòng và điều trị bệnh”.

Bài quảng cáo trái quy định gửi đến Cục An toàn thực phẩm đã bị gỡ bỏ.

Bài quảng cáo trái quy định gửi đến Cục An toàn thực phẩm đã bị gỡ bỏ.

Được biết, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế khẳng định: "Thực phẩm chức năng không được quảng cáo có tác dụng “điều trị”, “chữa trị”, “chữa bệnh”, “thoát khỏi” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương đương… Ngoài ra, khi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải có khuyến cáo theo quy định".

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý triệt để vi phạm nếu có.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./. 

Theo Trúc An (tổng hợp)/Đô thị mới