Nhiều trường hợp biết thuốc đã hết hạn nhưng tiếc nên vẫn sử dụng mà không hiểu hết được về hệ lụy do sử dụng thuốc quá hạn gây ra.

Hạn dùng của thuốc được định nghĩa là khoảng thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc (thuốc được sản xuất theo lô) mà sau thời hạn này thuốc không còn giá trị sử dụng. Thí dụ, hạn dùng của thuốc được ghi 22/5/2018 nghĩa là trong thời gian từ lúc người dùng mua thuốc đến ngày 22/5/2018 là thuốc có giá trị sử dụng và được phép dùng, còn từ ngày 23/05/2018 trở về sau là thuốc quá hạn dùng, không còn giá trị sử dụng.

Thuốc quá hạn gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe?

Cũng giống như thực phẩm, mỗi viên thuốc đều có một vòng đời với ngày sản xuất, hết hạn rõ ràng, và mức an toàn, hiệu quả cao nhất khi thuốc được sử dụng trong hạn mức của nó. Thuốc đã hết hạn sẽ không mang lại kết quả điều trị như kỳ vọng do không giữ được tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng.

Thuốc quá hạn và những hệ lụy cho sức khỏe

Cần kiểm tra kỹ hạn dùng trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào

Thuốc hết hạn sử dụng sẽ không còn nguyên tính chất, chuyển sang dạng khác hay sinh ra những hợp chất có độc tính cao do ảnh hưởng của yếu tố khách quan, chủ quan, từ đó làm mất khả năng chữa bệnh của các dược chất trong thuốc. Nếu người bệnh uống thuốc như vậy, đặc biệt với thuốc đặc trị, rất dễ xuất hiện biến chứng, tác dụng phụ, làm bệnh chuyển biến trầm trọng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong.

Ví dụ bệnh nhân tăng huyết áp, không may uống phải thuốc hết hạn đồng nghĩa với việc thuốc mất tác dụng điều trị, huyết áp không được điều chỉnh, sẽ gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phổ biến nhất là vỡ mạch máu não gây liệt nửa người, hôn mê.

Còn với thuốc chống đông máu khi không có tác dụng điều trị sẽ làm máu tăng khả năng đông lên, tạo các cục máu đông làm nghẽn động mạch, máu không lưu thông được đến tim và não, tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tương tự như vậy với những người mắc bệnh động kinh, ung thư... là những trường hợp phải dùng thuốc kéo dài, hậu quả của việc dùng thuốc quá hạn sử dụng thực sự to lớn. Khi những cơn động kinh không được kiểm soát, người bệnh có thể bất ngờ bị ngã xuống, gây thương tích, gặp tai nạn khi đang lái xe hoặc bị đuối nước khi đang bơi lội...

Còn với căn bệnh ung thư? Theo số liệu thống kê, ung thư luôn luôn nằm trong nhóm có số người tử vong cao ở nước ta, bệnh nhân ung thư uống thuốc hết hạn có tác hại rất lớn bởi thành phần bị biến đổi, có thể chứa độc chất đối với cơ thể, hoặc hàm lượng không đủ để đảm bảo tiêu diệt tế bào ung thư.

Nếu thuốc không đủ nồng độ như ban đầu, cơ thể sẽ dần thích nghi, dẫn đến kháng thuốc, tăng độc tính, điều trị không mang lại kết quả và người bệnh có thể tử vong.

Phòng tránh sử dụng thuốc quá hạn

Một số loại thuốc khi hết hạn rất dễ nhận biết, như với thuốc ở dạng lỏng có hiện tượng tách lớp, thuốc dạng rắn có thể dễ dàng bóp vụn. Với một số loại khác, khi hết hạn thì không hề thay đổi hình dáng so với lúc ban đầu, nhưng thành phần hóa học đã biến đổi mà mắt thường không nhận biết được. Đây cũng là lý do khiến nhiều người nghĩ rằng thuốc hết hạn vẫn có thể sử dụng được mà không gây tác hại gì lớn.

Vì vậy, khi mua thuốc, người dân cần nâng cao ý thức khi sử dụng thuốc, nên chọn nhà thuốc đáng tin cậy, cần xem kỹ hạn dùng của thuốc. Hạn sử dụng chỉ là hàng chữ nhỏ in trên nhãn thuốc, nhưng vai trò của nó cực kỳ quan trọng. Không nên vì một chút chủ quan, coi như điều nhỏ nhặt mà vô tình biến thuốc chữa bệnh thành mầm bệnh, thậm chí độc chất có thể giết chết bạn.

Đối với những thuốc còn hạn sử dụng, khi mua về cần chú ý tới khâu bảo quản thuốc để giữ được chất lượng của thuốc vì các loại thuốc tuy vẫn còn thời hạn sử dụng nhưng nếu khâu bảo quản không tốt khiến thuốc bị mất chất lượng, thậm chí biến đổi thành độc chất thì cũng gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Chú ý tránh để thuốc ở nơi ẩm mốc, chỗ có ánh sáng chiếu vào, ở nhiệt độ không đúng như yêu cầu của nhà sản xuất. Đối với những thuốc có yêu cầu bảo quản đặc biệt như insulin, thuốc đạn hạ sốt, thuốc viên nang trứng đặt âm đạo... cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 10oC...

Theo congly.vn