Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau (Xuân Diệu)

Đối với người miền Bắc, mũi Cà Mau xa xôi về địa lý nhưng thân thương gần gũi trong văn chương. Cà Mau là “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” theo cách nói của Nguyễn Tuân, là mênh mông rừng đước, rừng tràm, sân chim trong các tác phẩm của Đoàn Giỏi, Sơn Nam, là “cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Trong tâm thức mỗi người dân Việt, ai cũng mong được đến một lần điểm tận cùng cực nam của Tổ Quốc, nơi cách mũi Sa Vĩ của điểm cực bắc 3.260km.

Mũi Cà Mau

Mũi Cà Mau

Cà Mau là miền đất trẻ mới khai phá gắn với tên tuổi Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ trong hành trình mở đất phương Nam. Thế kỷ XVII, cộng đồng người Hoa, người Khơ Me và luồng dân di cư từ miền Trung khai phá vùng đất Cà Mau. Như nhiều tỉnh miền Tây khác, Cà Mau có sông ngòi kênh rạch chằng chịt và là hệ thống giao thông chính trong suốt một thời gian dài. Hai hệ sinh thái mặn ngọt tạo nên những rừng đước, rừng tràm có giá trị to lớn. Đến Cà Mau sẽ thấy bạt ngàn những vuông tôm, vuông cá và những đàn vịt chạy đồng, sẽ được đi trong mênh mang rừng tràm, rừng đước. Người Khơ Me gọi vùng đất của mình là Tưk Kha Mau bởi nước ở đây luôn có màu đen do lá tràm rụng xuống. Ở đất mũi Cà Mau không bao giờ thiếu nắng, thiếu gió cùng tình người hòa quyện.

Rừng U Minh Hạ

Rừng U Minh Hạ

Mặc dù đã có đường bộ nhưng việc đến mỏm cực nam của Tổ Quốc bằng ca nô xuyên qua rừng đước, rừng tràm là một trải nghiệm rất thú vị. Sông dài tít tắp, đất trời hoang sơ bí ẩn với nước mênh mang, đước mênh mông bất tận, không thể không bâng khuâng gợi nhớ những tiền nhân mở đất phương nam. Đó là những ngôi nhà lá trên sông tạo nên những “dãy phố” với bốn bề nắng, gió, đước và nước. Trước mỗi căn nhà là những chiếc xuồng to nhỏ. Những chiếc xuồng vừa là tài sản, vừa là thực thể sống gắn bó với cả đời người. Những đôi mắt xuồng tròng đen nhãn trắng biểu thị thần thái hiền hòa. Đôi mắt ấy sẽ dẫn dắt người chủ xuồng đi an toàn, đúng luồng lạch và đem về nhiều tôm cá cho cuộc mưu sinh. Đôi mắt xuồng vừa có gì huyền thoại tâm linh lại có nét nghệ thuật độc đáo. Ca nô trôi trong những dãy phố đặc biệt của đất Mũi, đem cho ta biết bao suy tư về cuộc sống. Ta được thả hồn với mây gió và sông nước mênh mông. Quang cảnh mênh mang khiến lòng người chùng xuống, bớt đi những bon chen vội vã để thêm chút thư thả an yên, để thêm yêu, thêm phục những con người bình thường lặng lẽ mà rất đỗi can trường. Cuộc sống nơi đây vừa đơn sơ giản dị lại phóng khoáng quảng đại. Thấp thoáng sau mớ chài lưới phơi trước hiên, có người đàn ông đang nhâm nhi tách cà phê, khuôn mặt thư thái tĩnh tại. Từ trên đám rễ đước xù xì mấy đứa trẻ cởi trần nhảy ùm xuống sông bơi thoăn thoắt cùng tiếng cười.

Kênh rạch Cà Mau

Kênh rạch Cà Mau

Giữa kênh rạch bao la, thấp thoáng những khu nghĩa mộ của người phương nam. Những khu nghĩa trang nhỏ lẻ của từng gia đình được gọi là nghĩa mộ. Nhà ở dẫu còn tuềnh toàng bằng dừa nước với bốn bề nắng gió, nhưng những ngôi mộ lại được xây đàng hoàng bằng bê tông trên những doi đất bùn. Người ta muốn người chết ở gần và vẫn chứng kiến cuộc sống hàng ngày của con cháu. Ta đọc được chữ tình, chữ nghĩa, chữ hiếu, chữ trung từ những hình ảnh giản dị mà rất xúc động ấy của người dân đất Mũi

Đến rừng Đước Năm Căn, nghe tiếng muỗi vo ve như sáo thổi mới thấy hết sự bám trụ kiên cường của người Cà Mau. Chỉ có thể ví họ như những cây đước và cây mắm, đan xen gắn bó với nhau mà vươn lên bám chắc vào vùng đất bùn lầy. Cây mắm đi trước, cây đước đi sau. Cây mắm từ bùn đất chui lên giữ đất, rễ đước như mũi tên lại cắm sâu xuống bùn, mọc thành rừng. Rễ đước và rễ mắm quyện chặt vào nhau như những bàn tay đan chặt không rời.

Tới mốc tọa độ quốc gia, bốc một nắm đất ở điểm cực nam, nơi vừa có thể ngắm mặt trời mọc lại có thể ngắm được mặt trời lặn là niềm tự hào thiêng liêng. Cột mốc miền cực nam này là biểu tượng về chủ quyền, biểu tượng của ý chí, biểu tượng sự hy sinh, biểu tượng cho tất cả những gì người dân đất Mũi vẫn hàng ngày hàng giờ chiến đấu với cái nghèo, cái bấp bênh lênh đênh để bám trụ kiên cường. Đến mũi Cà Mau, nơi mà “đất biết nở, cây biết đi, biển biết mở rộng” cảm nhận rõ có điều gì đó không thể nói thành lời, một tình cảm không gọi được thành tên cứ dâng lên, tràn đầy trong tâm thức. Đó là niềm tự hào, sự gần gũi thân thương và sự xúc động từ sâu trong tâm khảm. Cà Mau rất đẹp trong tâm thức mỗi người dân đất Việt. Giai điệu da diết, ngọt ngào của bài hát “Áo mới Cà Mau”, cứ ngân mãi, ngân mãi với lời ca “Về Cà Mau là thấy thương em rồi”...

 

Theo dulich.reatimes.vn