Thông tin trên CafeF cho hay, đầu tháng 8/2016, Gỗ Trường Thành (TTF) đã gây choáng váng cho nhà đầu tư khi bất ngờ công bố lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý 2 do phát hiện việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho và trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi 227 tỷ đồng.

Đây là số liệu tài chính do TTF tự lập trên cơ sở tham khảo ý kiến từ kiểm toán E&Y. Dự kiến đến 31/8/2016, công ty kiểm toán này sẽ phát hành báo cáo soát xét bán niên đối với báo cáo tài chính của TTF.

Nguồn tin của CafeF cho biết, bên cạnh việc hàng tồn kho nêu trên, một số vấn đề liên quan khác có dấu hiệu vi phạm đã được chuyển cho cơ quan điều tra.

Thế chấp bằng giá trị hàng tồn kho ảo?

Liên quan đến khoản tồn kho này còn phát hiện dấu hiệu lập khống giá trị hàng tồn kho để thế chấp vay ngân hàng. Hiện TTF đang thế chấp bằng hàng tồn kho tại một số ngân hàng thương mại và hiện còn dư nợ tại một số ngân hàng.

Các hợp đồng này có dấu hiệu lập khống tài sản đảm bảo vì giá trị hàng tồn kho được kiểm toán không đúng với thực tế như đã nêu ở phần trên, việc này dẫn đến Công ty Trường Thành có nguy cơ mất vốn tự có, gây thiệt hại trực tiếp đến các cổ đông.

Gỗ Trường Thành: Tiếp tục phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng, chuyển cơ quan điều tra xem xét.

Gỗ Trường Thành: Tiếp tục phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng, chuyển cơ quan điều tra xem xét.

Bỏ ngoài sổ sách khoản bảo lãnh cho công ty DLC

Theo một nguồn tin riêng, các vấn đề về số liệu tài chính của TTF không chỉ nằm ở tồn kho và công nợ. Báo cáo tài chính trước đây của TTF còn thuyết minh thiếu khoản bảo lãnh cho Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng DLC (Công ty DLC).

TTF bảo lãnh cho DLC vay tại Ngân hàng Việt Á với nghĩa vụ cần thực hiện khoảng 90 tỷ đồng. Tổng hạn mức bảo lãnh mà HĐQT của TTF đã duyệt cho công ty DLC là 420 tỷ, tuy nhiên cho đến nay TTF đã chính thức phát hành bảo lãnh cho DLC giá trị bao nhiêu thì không ghi chép trên sổ sách, bộ phận kế toán không lưu giữ các văn bản liên quan như Nghị quyết HĐQT, văn bản bảo lãnh đã phát hành vv... Do đó, hiện tại chưa kiểm tra được chính xác thông tin về tổng nghĩa vụ bảo lãnh đã phát hành cho DLC.

Điều này tiềm ẩn khả năng TTF phải trích lập dự phòng ít nhất 90 tỷ đồng trong trường hợp DLC không trả được nợ.

Công ty DLC có trụ sở tại Thành phố Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đăk Lăk. Trong báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán của TTF, tên công ty DLC được nhắc đến một số lần; hai công ty đã cùng góp vốn hợp tác kinh doanh sản xuất hàng ngoại thất xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũ còn bị phát hiện có dấu hiệu thực hiện các giao dịch ảo, khống, giao dịch lòng vòng mà không có hàng hóa tương ứng, nhằm nâng khống doanh thu, tạo lợi nhuận ảo. Những giao dịch này thực hiện giữa công ty mẹ và các công ty liên quan, trong đó nổi cộm là 2 công ty DLC và Công ty xây dựng nông lâm nghiệp Trường Sơn.

Trên đây chỉ là một số vấn đề đang được ban lãnh đạo mới kết hợp cùng kiểm toán, cơ quan điều tra làm rõ để xác định chính xác tài sản của doanh nghiệp, các nghĩa vụ, và trách nhiệm pháp lý.

Thông tin vẫn tiếp tục được cập nhật...

Theo CafeF