Đây là con số trong kết quả tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo cả nước năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều mới áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Tỉnh có số hộ nghèo nhất nước là Thanh Hóa với hơn 128.000 hộ

Thống kê cho thấy, tỉnh có nhiều hộ nghèo nhất nước là Thanh Hóa với hơn 128.000 hộ, Nghệ An với hơn 95.000 hộ, Sơn La là hơn 92.000 hộ.

Điều đáng chú ý nhất là Bình Dương chính là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo.

Tại TP Hồ Chí Minh số hộ nghèo thống kê được là 344 hộ. Trong khi đó, Hà Nội hiện có hơn 53.000 hộ nghèo, xếp thứ 14 trên cả nước.

Còn tại báo cáo tháng 7 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 23.200 hộ thiếu đói, giảm 9,7% so với tháng trước, tương ứng với 97.300 nhân khẩu thiếu đói, giảm 11,1%. Như vậy, số hộ thiếu đói đã tăng gấp 5,2 lần, số nhân khẩu thiếu đói tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, cả nước có 234.400 lượt hộ thiếu đói, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 972.300 nhân khẩu thiếu đói, tăng 25,2%.

Theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tiêu chí xác định hộ nghèo và cận nghèo như sau:

Tiêu chí về thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng.

Chuẩn cận nghèo khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin....

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam