Trong ngày đầu xuân, tại Nam Định có 2 chợ cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau, gồm các loại đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò,... 

Chợ Viềng diễn ra gần phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) được biết đến với tên gọi là chợ Viềng Phủ. Còn chợ Viềng gần chùa Bi (Nam Trực, Nam Định) được gọi là chợ Viềng Chùa.

Chợ Viềng họp vào đêm mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Vậy nên cứ vào thời gian này, người dân địa phương và du khách khắp mọi nơi lại nô nức trở về đây để tham gia chợ Viềng.

Đây là phiên chợ chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm và họp chủ yếu từ buổi tối tới sáng hôm sau.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Vốn được tâm niệm là phiên chợ cầu may, mọi người tới đây để "mua may bán rủi" mong một năm mới bình an, may mắn nên bất cứ ai tới đây đều không đặt quá cao chuyện lời lãi ra sao, thuận mua vừa bán và giá cả được đưa ra cũng không "thách" quá cao để người mua không phải mặc cả.

Chợ Viềng diễn ra trong khoảng không gian rộng lớn với hàng trăm nghìn mặt hàng từ đồ đồng, đồ đá, đồ sứ, đồ gỗ, đồ cổ thật và đồ giả cổ… đủ chủng loại, chất lượng với nhiều mức giá thành.

Đặc biệt, tại chợ Viềng còn có bán các dụng cụ nhà nông như cuốc, xẻng, liềm, đôi quang gánh, giỏ đơm đó, thúng, mủng,... Nhiều năm gần đây, trong cuộc sống hiện đại, người dân đến với chợ Viềng còn bắt gặp những gian hàng bán đồ tiêu dùng hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày với mẫu mã đa dạng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, chợ Viềng còn có các loại cây cảnh với nhiều kích cỡ, kiểu dáng từ những cây hoa nhỏ xinh đến những cây được tạo dáng, những chậu bonsai hay giống cây ăn quả đặc sản đến từ nhiều vùng miền.

Do đó, du khách tới đây có rất nhiều lựa chọn để mua cho mình một món hàng cầu may.

Cùng với lễ khai ấn Đến Trần thì chợ Viềng chính là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp mọi miền trong ngày đầu xuân mới.

Theo Bảo Châu/Reatimes.vn