“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu...”, dạo còn trẻ tôi hay nghêu ngao những câu hát như thế mà chẳng biết nó xuất xứ thế nào. Bấy giờ, những bài hát như này bị cấm vì nó là nhạc vàng. Không quan trọng chuyện nhạc nhẽo mà là cái sự xa Hà Nội kia mới thật đáng nói.

Người Hà Nội khi xa Hà Nội trĩu nặng tâm trạng. Bấy giờ chiến tranh loạn lạc, lứa thanh niên trẻ chúng tôi vừa tầm lớn thì nhập ngũ. Xa Hà Nội với chúng tôi lúc đó từa tựa như trẻ xa mẹ bây giờ. Nhớ lắm. Cái nhớ nó kỳ lạ và rất khó tả. Bảo là một anh trai làng thì cột rơm, mái rạ, khói bếp là đủ nói lên cõi lòng mình với quê hương bản quán nhưng phố phường Hà Nội thì khó bó gọn bởi chỉ vài thứ đặc trưng.

Anh thích thủy và tính mơ mộng, nhất là đã có người yêu, thì nhớ Hồ Tây hay bét dem cũng là Bảy Mẫu hay Công viên Thống Nhất, là nơi chắc chắn anh dẫn người yêu đến đó. Người thích mộc thì mê đắm Bách Thảo, Thủ Lệ. Kẻ nghịch ngợm thì thích những thứ chẳng đâu vào đâu. Mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai.

Riêng tôi chẳng hiểu sao chỉ nhớ những gì thuộc về ăn uống. Một que kem Hàng Vôi bốc khói ngày đại hàn, cắn vào cứng câng cấc tưởng rụng răng, nhưng mà khoái, mà đã đời cái vị buốt lạnh không thể lẫn vào bất cứ thứ gì. Hay là ngày hè có tiền chơi sang vào hàng giải khát làm vại sen dừa. Chao ôi cái âm thanh thìa khuấy khiến những viên đá lạnh va vào thành cốc kêu lanh canh ám ảnh tôi kể cả khi nằm trùm chăn trong võng đếm mưa rơi giữa rừng già Trường Sơn vẫn nhớ, vẫn thèm về nó.

Đấy, nỗi nhớ Hà Nội đôi khi chỉ đơn giản như thế. Những năm tháng xa nhà, chúng tôi ngấm đủ cái vị thiếu vắng Hà Nội. Nhớ cuối năm 74, khi đang ở Đông Nam Bộ, đại đội tôi trước khi đi chiến dịch được đãi một tối chiếu bóng. Ai dè trước khi chiếu phim truyện chúng tôi được xem một phim tài liệu về Hà Nội những ngày bom B52 cuối 1972. 

Chứng kiến cảnh Hà Nội yêu dấu tơi bời bom đạn, lòng những người con Hà Nội đau đớn vô chừng. Ai cũng cắn chặt răng kiềm chế để rồi sau đó òa vỡ khóc tập thể. May, lúc đó đã nhận được thư nhà, biết ai còn ai mất, chứ không thì làm sao trai trẻ như chúng tôi chịu đựng nổi. Hà Nội là vậy đó luôn nằm trong trái tim những người con Hà Nội tha hương.

Hà Nội trong nỗi nhớ yên bình.

Khi viết một cái gì đó về Hà Nội, bao giờ tôi cũng nhận được những phản hồi đầy tâm trạng của những người ở xa. Nhất là những người bôn ba nơi xứ người. Người Hà Nội gặp nhau nơi tứ xứ cũng rất khác lạ. Dạo đó gặp nhau thì gọi đồng hương. Vui lắm lính tráng đất thánh gặp nhau chuyện nổ như ngô rang.

Thằng vào trước hỏi thăm thằng vào sau về Hà Nội. Rồi san sẻ quà cáp. Bao thuốc lá, gói thuốc lào, phong bánh, gói kẹo, có gì mang ra đãi đằng nhau tuốt. Chả cứ ngày xưa, giờ mọi thứ đã thay đổi nhiều, cuộc sống khấm khá hơn, tiện nghi hơn nhưng cái tình người Hà Nội với nhau vẫn rất đặc biệt. Người Hà Nội tha hương rất nhiều, có mặt ở khắp nơi. Không tính những cuộc di cư lớn thuộc về thời cuộc, chỉ là những di chuyển theo nhu cầu cá nhân thì cũng đã là không tính xuể. Cái tình người Hà Nội với nhau khó có thể đong đếm nổi. Nơi chiến trường đầu xanh tuổi trẻ, những vùng đất xa lạ, thật ấm lòng khi người Hà Nội gặp nhau.

Nhiều khi công việc khiến tôi ở dài ngày trong Sài Gòn. Cũng lại là bạn bè Hà Nội cưu nhau bữa ăn, giấc ngủ. Con trai một họa sĩ tài danh đất nước là một nhà sưu tầm nghệ thuật, thậm chí còn cho tôi ở ngay trong chính phòng lưu niệm của cha mình. Có nằm mơ cũng chả dám ước được ngủ trong căn phòng bày những kiệt tác để đời của họa sĩ. Không dám hỏi nhưng tôi ngờ rằng chính cái tình Hà Nội với nhau mới là lý do để anh cho tôi tá túc ở một nơi trang trọng và quý giá như thế.

Mỗi địa phương, dù là ở trong hay ngoài nước, những người Hà Nội bao giờ cũng dành tình cảm đặc biệt với nhau hơn. Tôi không ít lần dự những cuộc giao tiếp của nhóm người Hà Nội ở xa. Ở châu Âu cũng có, châu Á không ít. Nhiều nhất là trong TP.HCM. Họ là doanh nhân, là nghệ sĩ, là kỹ sư, bác sĩ, đủ thứ ngành nghề từng nhóm bạn hợp nhau, chơi với nhau, giúp nhau cả trong sinh hoạt lẫn làm ăn, sinh sống.

Những lúc trà dư tửu hậu, câu chuyện không đầu, không cuối về Hà Nội thật hào hứng. Một anh bạn kiến trúc sư nổi tiếng lập nghiệp trong thành phố nhưng vẫn giữ được ngôi nhà cổ của cha mẹ để lại ở một phố cũ Hà Nội. Những lần trở về Hà Nội, bao giờ anh cũng mời bạn bè về ngôi nhà nơi chôn nhau cắt rốn của anh để hội ngộ. Những dịp như thế thật thấm thía cái nhẽ của một người con Hà Nội đi xa trở về.

Cũng có lần tôi được dự một cuộc họp lớp phổ thông của một nhóm bạn ở TP.HCM. Những mái đầu muối tiêu mày tao chi tớ kể về Hàng Bạc, Hàng Khoai, Cửa Nam, về những trò nghịch ngợm thuở học trò, rồi cả những chuyện tình yêu đôi lứa thật thi vị và xúc động. Rồi những người Hà Nội ở bên kia bán cầu, nước Mỹ xa xôi. Mỗi lần họ trở về Hà Nội là một lần đượm tình người, tình phố. Ca sĩ Khánh Ly khi trở về Hà Nội hát lần đầu tiên sau bao quãng thời gian xa cách, đã nhận được sự chào đón nồng hậu của muôn ngàn người Hà Nội hâm mộ.

Hà Nội là thế, nơi nguồn cội thân thương của bao nhiêu thế hệ. Chỉ Hà Nội mới đủ để cho bất cứ ai dù chỉ có ít thời gian sống ở đó hãnh diện nhận mình là người Hà Nội. Có lẽ thế nên nhạc sĩ Anh Bằng dù không gốc Hà Nội nhưng khi phải rời Hà Nội đã viết lên những câu ca cháy bỏng nhớ nhung khao khát. " năm lên mười tám..."

Hà Nội ơi, yêu người biết bao!

Theo Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến/Reatimes