Trong đó, nhu cầu lao động cấp bậc phổ thông - Sơ cấp nghề chiếm 35%, Trung cấp chiếm 35% và Cao đẳng - Đại học chiếm 30%.

Các nhóm ngành có nhu cầu lao động cao gồm có: Công nghệ thông tin, Cơ - Điện tử, Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng, Điện - Điện công nghiệp. Tiếp đó là các nhóm ngành Cơ khí - Dệt may - Da giày, Du lịch - Nhà hàng khách sạn; Kinh tế - Tài chính (đặc biệt là Kinh doanh tài sản - Bất động sản).

Nhóm ngành như Kinh tế công nghiệp và một số lĩnh vực chuyên ngành Y - Dược - Khoa học - Giáo dục… có nhu cầu thấp hơn.

Theo dự đoán, nhu cầu người tìm việc trong tháng 3 sẽ tăng thêm 20% so với tháng trước, trong đó đa phần là người có trình độ Đại học, Cao đẳng chưa tìm được việc làm phù hợp sẽ gặp được những cơ hội thuận lợi để ổn định việc làm.

Nhu cầu lao động tăng cao sau Tết nguyên đán

Do tháng 2/2016 trùng vào dịp Tết nguyên đán nên thị trường lao động tập trung nhu cầu lao động phổ thông, lao động thời vụ để phục vụ thị trường bán lẻ, dịch vụ phục vụ, giải trí ăn uống và đa số các doanh nghiệp đã chủ động hoạch định chính sách tuyển dụng lao động để tăng cường sản xuất kinh doanh trong năm 2016.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đánh giá: Thị trường lao động trên địa bàn sau Tết Nguyên đán thể hiện sự ổn định. Đa số các doanh nghiệp có những kế hoạch ổn định nhân lực sau Tết thông qua các chính sách lương thưởng, phúc lợi, các hoạt động hỗ trợ lao động quay lại làm việc sau Tết nên sự thiếu hụt lao động diễn ra không cao (bình quân từ 3 - 4%).

Riêng về nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết chủ yếu nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016.

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam