Thời gian gần đây, thông tin về các bệnh viện (BV) sẽ tiến hành thu phí đối với người chăm sóc bệnh nhân, người nhà, người nuôi bệnh để giảm bớt chi phí hoạt động và đảm bảo an ninh cho các BV đang gây tranh cãi trong dư luận, người dân cảm thấy bị tận thu.

Trước đó, nhiều thân nhân người bệnh đã phản ứng với lãnh đạo BVĐK khu vực Thủ Đức về việc BV thu 30.000 đồng/ngày đêm/người đến thăm nuôi bệnh nhân. Theo GĐ BV, các thân nhân người bệnh không đồng ý với chủ trương này. Thực trạng an ninh trật tự tại BV hiện nay khá phức tạp do có nhiều nhóm người cho thân nhân người bệnh thuê ghế bố, dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau trong BV để giành quyền lợi.

Bên cạnh đó, tình trạng mất cắp điện thoại, xe gắn máy xảy ra khá thường xuyên. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, đồng thời nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, Đảng ủy, Ban GĐ BV đã họp và thống nhất cung cấp các dịch vụ như ghế bố, nơi sạc ĐTDĐ, cung cấp nước nóng – lạnh và nơi giặt giũ, phơi quần áo cho thân nhân và người bệnh. Phí dịch vụ thu sẽ là 30.000 đồng mỗi ngày đêm. Kinh phí này sẽ được sử dụng để tái đầu tư phục vụ bệnh nhân.

tranh cai ve viec thu phi cham nuoi benh nhan

Thời gian gần đây việc thu phí người nhà bệnh nhân đang khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Được biết, trên cả nước đã có một số BV áp dụng thu các chi phí điện, nước, bảo vệ… đối với người chăm sóc bệnh nhân. Hiện nay đã có BV triển khai thu mỗi người nhà chăm bệnh nhân 30.000 đồng mỗi ngày. Khi người nhà bệnh nhân có ý kiến, phản ứng gay gắt vì BV không có nhà lưu trú, tắm rửa mà thu phí cao thì BV đã tạm dừng thực hiện quy định này.

Cũng có những BV từ nhiều năm nay đã thu 100.000 đồng từ người nhà chăm sóc bệnh nhân thứ hai trở đi (áp dụng đối với một số khu dịch vụ cao, hậu sản, hậu phẫu…). Liên quan đến băn khoăn này, một số BV cho rằng, theo chủ trương của ngành y tế, BV phải đảm bảo có đủ quạt mát, giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay để phục vụ người bệnh, điều hòa, nước nóng ở khu vực điều trị,… nên mỗi ngày, các BV phải tiêu thụ một lượng điện, nước rất lớn để phục vụ bệnh nhân và người nhà đến để chăm sóc bệnh nhân, người thân đến thăm, nuôi bệnh. Kinh phí tăng thêm đương nhiên các BV phải chi trả. Trong khi đó, nhiều BV đang phải thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, gặp nhiều khó khăn về kinh phí, do đó các BV cần phải tiến hành thu phí của người nhà bệnh nhân.

Chỉ cần hình dung các BV lớn như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương… mỗi ngày có cả vạn bệnh nhân cùng ít nhất một con số tương tự người nhà đi cùng, thì đã tiêu tốn bao nhiêu mét khối nước và số điện, sẽ thấy số tiền không hề nhỏ mà các BV đang phải trả. Chưa kể, do số người đến BV rất đông, các BV phải thuê các Cty dọn rác, vệ sinh toilet, giữ gìn môi trường. Nhiều người không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung khi đến BV, khiến các nhân viên phải rất vất vả dọn dẹp vệ sinh.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Việc thu phí là bình thường. Điều quan trọng là BV phải cung cấp tiện ích tương ứng với số tiền và có thông báo rõ ràng ngay từ đầu để người bệnh lựa chọn.

Trước mắt, khi quyết định việc thu tiền, các BV cần truyền thông, giải thích cho người dân hiểu đã sử dụng dịch vụ gì trong xã hội thì phải trả tiền dịch vụ đó. Đặc biệt, mức giá thu phải hợp lý và minh bạch; không nên thu trọn gói mà chỉ nên thu theo từng dịch vụ. Nhất là khi đã thu tiền của người dân thì chất lượng dịch vụ phải tương xứng.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề thu phí đối với người nhà chăm sóc bệnh nhân, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay các BV đã thực hiện tự chủ tài chính. Chủ trương của Bộ Y tế là cố gắng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế làm chủ về kinh phí để có nguồn lương cho nhân viên và thực hiện nhiều công tác khác.

Do đó, theo ông Nguyễn Viết Tiến, những khoản thu hợp pháp, không sai luật thì BV vẫn được quyền tự chủ thu. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, nhiều người không phải là bệnh nhân vào BV, nhưng sử dụng điện, nước, vệ sinh gây ảnh hưởng môi trường. BV phải cử nhân viên hoặc thuê dọn dẹp vệ sinh và trả tiền cho các khoản điện, nước này. Về nguyên tắc, BV là đơn vị tự chủ kinh phí nên người sử dụng dịch vụ phải trả tiền là hợp lý. Tuy nhiên, thu như thế nào là hợp lý thì phải thông qua phê duyệt theo quy định hiện hành.

Nhìn ở khía cạnh khác, người dân phải tới BV là điều không mong muốn. Ngoài chi phí khám chữa cho người bệnh, đa số bệnh nhân đều có người nhà đi kèm để chăm sóc. Vì thế chi phí đi lại, ăn uống,… khá tốn kém. Do đó, khi các BV đưa ra yêu cầu thu phí người nhà tới thăm nuôi bệnh nhân sẽ không tránh được phản ứng từ phía người dân. Theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện cả nước có gần 1.000 BV tuyến huyện.

Theo phân cấp thì các BV này do các địa phương quản lý. Trực tiếp là Sở Y tế các tỉnh, thành. Việc các BV do địa phương quản lý được thu những khoản gì thì căn cứ vào mức độ tự chủ của BV. Các BV địa phương trước khi thu phí phải đưa ra HĐND lấy ý kiến, thông qua. Theo các chuyên gia y tế, trong cơ cấu giá viện phí chỉ được thu của bệnh nhân (kể cả điện, nước…) không nói đến việc thu tiền điện, nước người chăm sóc bệnh nhân. Vì vậy, việc thu phí người bệnh cũng cần được xem xét, cân nhắc và nếu thực hiện phải được ngành y tế thống nhất, đồng bộ ở các BV. Bởi hiện nay các BV đều tự chủ, do đó khó khăn của các BV đều là khó khăn chung.

Theo phapluatxahoi.vn