Nguyên nhân khiến trẻ dễ bị ốm trong dịp Tết

Sự thay đổi sinh hoạt trong những ngày Tết như: mất ngủ, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lội, di chuyển bằng tàu xe nhiều giờ gây say tàu xe, dinh dưỡng thiếu cân bằng,… có thể khiến cho hệ miễn dịch và sức khỏe của trẻ bị suy giảm, do đó khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Dịp Tết Nguyên Đán rơi vào thời điểm giao mùa đông xuân - là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát như chân tay miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, viêm não, zika, cúm, viêm đường hô hấp…

Việc di chuyển nhiều giờ trên tàu xe có thể khiến trẻ dễ bị ốm (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Thời tiết se lạnh ngày Tết cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm phế quản, phổi… Đặc biệt, trẻ sẽ dễ nhiễm dịch bệnh hơn khi tụ tập đông người hay tham gia vào những hoạt động giao lưu và di chuyển giữa nhiều vùng địa lý khác nhau.

Giải pháp giúp trẻ không bị ốm trong dịp Tết

Rửa tay sạch sẽ cho trẻ giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh từ môi trường (Ảnh minh họa)

Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ thường xuyên

Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày là biện pháp cần thiết để giúp con không bị ốm dịp Tết. Bố mẹ nên nhắc nhở, dạy trẻ rửa tay thường xuyên để tránh bị bệnh và lây truyền vi trùng cho người khác. Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, và chà xát chúng với nhau trong ít nhất 20 giây. Đồng thời, che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Nếu như lúc đó không có khăn giấy, thì hãy dạy trẻ ho hoặc hắt hơi vào tay áo hoặc khuỷu tay trên của mình, chứ không phải bàn tay đâu nhé.

Giữ ấm cho trẻ khi đi ra ngoài

Giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh là điều cần thiết mà bố mẹ phải làm trong việc phòng tránh bệnh cho con. Bạn đừng quên mũ, khăn, găng tay và đeo khẩu trang cho bé nếu phải ra ngoài khi trời gió hoặc khi đi tàu xe. Nên chọn cho trẻ những chiếc áo khoác, mũ không thấm nước. Nếu trẻ bị dính nước mưa, cần thay quần áo cho bé thật nhanh.

Cho trẻ ngủ đủ giấc

Mặc dù hoạt động ngày Tết có thể làm đảo lộn giờ giấc sinh hoạt của trẻ, khiến con phải ngủ muộn hay thức khuya hơn thông lệ nhưng mẹ hãy cố gắng đảm bảo thời gian ngủ đủ cho bé. Mẹ có thể để bé ngủ thêm vào buổi sáng hoặc ngủ các giấc ngủ ngắn trong ngày. Bạn cần lưu ý thời gian ngủ theo độ tuổi của bé: trẻ sơ sinh cần 18 giờ ngủ mỗi ngày, trẻ mới biết đi cần 12-13 giờ, và trẻ mẫu giáo cần tổi thiểu 10 giờ.

Cho trẻ ăn uống khoa học

Tuy rất bận rộn trong những ngày Tết, nhưng bố mẹ vẫn nên chuẩn bị thức ăn một cách kỹ lưỡng để gia đình, nhất là đồ ăn cho trẻ. Trong ngày, trẻ cần được đáp ứng đủ và cân bằng 4 nhóm chất: glucid, lipid, protein, vitamin và khoáng chất.

Hãy luôn rửa tay và lau dọn khu vực bếp nấu thường xuyên. Tránh ô nhiễm chéo giữa các thực phẩm bằng cách bảo quản thực phẩm tươi sống tránh xa thực phẩm ăn liền hoặc là thực phẩm đã chín. Cần đảm bảo rằng đồ ăn của trẻ phải được “ăn chín uống sôi”, đừng ăn đồ tái, sống. Nếu không ăn hết, hãy bỏ hộp và cất vào tủ lạnh kịp thời vì thức ăn để bên ngoài nhiệt độ thường sẽ bị hỏng trong hơn hai giờ.

Tiêm vắc- xin đầy đủ

Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin theo lứa tuổi cũng là biện pháp mà bố mẹ cần làm để bảo vệ con khỏi các loại bệnh một cách chủ động và hiệu quả nhất. Ngoài ra, khi phát hiện trẻ bệnh, bạn nên sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời và có được những lời khuyên hữu ích giúp con sớm vượt qua được những ngày bệnh khó chịu.

Theo Gia đình Việt Nam