Vào chiều ngày 12/8 vừa qua, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã họp phiên họp lần thứ 11 để rà soát các công tác trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog) tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Theo đó, thời điểm chính thức tắt sóng truyền hình tương tự tại 4 thành phố này là 24 giờ ngày 15/8/2016.

Từ 24h ngày 15/8/2016, ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) mặt đất tại 1 số tỉnh thành

Theo kết quả thống kê, tỷ lệ hộ gia đình xem truyền hình tương tự mặt đất tại 4 tỉnh, thành trên vào tháng 4/2016 là:

  • Hà Nội 10.7%
  • Hải Phòng 10.0%
  • Cần Thơ 27.9%
  • TP. Hồ Chí Minh 3.9%

Đến nay, vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2 tại 4 thành phố nêu trên đã đảm bảo lớn hơn hoặc bằng vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Ngoài ra, theo một số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị thu DVB-T2, từ 5/2016 đến nay, tại Hà Nội đã bán ra 149.437 TV DVB-T2 và STB DVB-T2 (trong đó có 90.310 TV, 59.127 STB), Hải Phòng: 36.855 (trong đó có 36.676 TV, 179 STB), Cần Thơ: 81.760 (trong đó có 36.676 TV, 52.638 STB); TP. Hồ Chí Minh: 139.436 ( trong đó có 98.127 TV, 41.309 STB).

Như vậy, tổng số lượng thiết bị thu bán ra tại các tỉnh là 271.817 STB và 116.480 TV DVB-T2.

Về hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, Bộ TT&TT đã thực hiện việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất tới các hộ nghèo, cận nghèo theo quy định tại 04 thành phố trực thuộc Trung ương và địa bàn 19 tỉnh lân cận.

Cụ thể: Hà Nội là 34.409 hộ; Cần Thơ là 25.102 hộ; Hải Phòng là 27.706 hộ; một phần địa bàn của 19 tỉnh lân cận: 327.324 hộ.

Về tỷ lệ thu xem truyền hình tương tự mặt đất, theo Ban Chỉ đạo, khi triển khai ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn ảnh hưởng tới địa bàn của 19 tỉnh lân cận. 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này có dân số chiếm tới 50% dân số của cả nước.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam