Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định chi tiết các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Và mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các quận Ba Đình, Hoán Kiếm, Hai Ba Trưng đã quyết định phối hợp siết chặt quy định về xả rác, xử phạt người dân vứt rác, xả rác bừa bãi trên đường phố, nơi công cộng. 

Theo đó, người dân đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định cũng bị xử phạt.

Mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng 5.000 tấn rác thải 

Được biết, quận Hoàn Kiếm đã thống nhất với Công ty Môi trường đô thị phương án thu gom rác trong 3 múi giờ: Sáng từ 6h - 7h30, trưa từ 12h - 13h30 và tối từ 19h30 - 21h.

Người dân trong quận Hoàn Kiếm phải đổ rác vào 3 múi giờ này, nếu không tuân thủ thì bị coi là vi phạm. Riêng các tuyến phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm bổ sung thêm một múi giờ là sau 24h. Các chế tài xử lý hành vi vi phạm sẽ được thông báo qua loa truyền thanh và các đối tượng người dân, đơn vị, tổ chức vi phạm đều sẽ bị xử phạt và thông báo qua loa.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mức xử phạt hành vi vi phạm vệ sinh môi trường hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, khiến cho người dân vẫn chưa thực sự có ý thức trong việc bảo vệ môi trường.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày Thủ đô Hà Nội thải ra khoảng 5.000 tấn rác - và đây mới chỉ là con số tương đối về lượng rác thải thu gom được.

Xả rác bừa bãi bị phạt bao nhiêu?

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo căn cứ tại Điều 7 của Nghị định này về vi phạm quy định về giữ vệ sịnh chung:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung;

b) Đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông nơi công cộng hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung;

c) Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư;

d) Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng;

đ) Lấy, vận chuyển rác, chất thải bằng phương tiện giao thông thô sơ trong thành phố, thị xã để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh;

e) Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;

b) Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng;

c) Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;

d) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.

Như vậy, hành vi đổ rác nơi công cộng là hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung được quy định tại Nghị định này.

Chế tài xử lý đối với hành vi này là xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tùy vào mức độ vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng như ban đầu đối với hành vi này.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam