Cụ thể, bắt đầu từ ngày 22.8.2016, Thông tư số 18/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tự thỏa thuận sẽ có hiệu lực.

Một nội dung đáng chú ý của Thông tư này là bổ sung ngân hàng chính sách vào danh mục các đơn vị được mua, bán có kỳ hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu chính quyền địa phương; giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành và các loại tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu do tổ chức khác phát hành.

Như vậy, từ ngày 22/08/2016, các đơn vị được mua, bán có kỳ hạn các loại giấy tờ có giá nêu trên bao gồm: Ngân hàng thương mại; Công ty tài chính; Ngân hàng chính sách; Ngân hàng hợp tác xã; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, lãi suất đối với dư nợ gốc quá hạn phải đảm bảo tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn; lãi suất áp dụng đối với số tiền lãi vay chậm trả không được quá 10%/năm.

Từ ngày 22/8, lãi suất với tiền lãi vay chậm trả giữa các ngân hàng tối đa 10%/năm.

Từ ngày hôm nay (1/8), một số chính sách mới về thuế, hóa đơn, lương cũng sẽ có hiệu lực: 

Ưu đãi thuế nhập khẩu cho dự án tại địa bàn đặc biệt khó khăn

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 83/2016/TT-BTChướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Theo đó, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại mục A Phụ lục I hoặc thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định 118/2015/NĐ-CP được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu.

Mức ưu đãi như sau: miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP.

Đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư (trừ những dự án sản xuất không được ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) sẽ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.

Bên cạnh đó, Thông tư 83/2016/TT-BTC còn hướng dẫn các trường hợp được ưu đãi về thuế TNDN và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Thông tư 83/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1.8.2016.

Làm mất hóa đơn chỉ bị phạt từ 4 đến 8 triệu đồng

Theo quy định Nghị định 49/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.8.2016 thì hành vi làm mất hóa đơn sẽ chịu mức phạt tiền thấp hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP (từ 10 triệu đến 20 triệu đồng). 

Theo đó, khi làm mất hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập; đã lập nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn và đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa dịch vụ sẽ chỉ bị phạt tiền từ 4 triệu đến 8 triệu đồng.

Trường hợp mất hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.

Điều chỉnh mức lương cơ sở theo ngạch, bậc, chức vụ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 103/2016/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ, điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ.

Theo đó, nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở được xác định căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối).

Thông tư 103/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.8.2016.

Theo Duy Phan tổng hợp/Gia Đình Việt Nam