Tại buổi họp báo quý III do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều tối 20/10, thông tin về kỳ thi “hai chung” sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2016, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Năm tới vẫn sẽ tiếp tục mô hình thi như năm nay, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế những bất cập như đã xảy ra như nghẽn mạng, việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh…

Ông Bùi Văn Ga cũng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đã soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, tạo căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (trái) và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại buổi họp báo - Ảnh: Tuổi trẻ

Tăng quyền tự chủ cho các trường

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, trong kỳ thi 2016 ngành GD&ĐT sẽ tăng cường quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh. Cụ thể là Bộ sẽ không cấp giấy báo kết quả thi cho thí sinh mà các trường tự xét tuyển, thí sinh tự do đăng ký nguyện vọng vào các trường. Giải pháp chống thí sinh ảo cũng sẽ được khẩn trương đưa ra. Không chỉ riêng năm 2016 mà những năm tiếp theo kỳ thi sẽ được thực hiện theo cách thức giảm áp lực.

Trao đổi với Tuổi trẻ bên lề buổi họp báo, ông Bùi Văn Ga nói đây là phương án dự kiến được đưa ra, sau khi đã rút kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh 2015.

Ở kỳ tuyển sinh 2015, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi chỉ được gửi vào một trường (nhất là đợt 1 chỉ có một giấy chứng nhận kết quả thi), khiến trong đợt xét tuyển đầu tiên này, thí sinh luôn chỉ được đăng ký vào một trường (dù sau đó có thể thay đổi nguyện vọng rút ra, nộp vào).

Nhà trường giảm ảo hoàn toàn, nhưng quyền lợi của thí sinh không đảm bảo. Vì vậy, phương án tuyển sinh 2016 sẽ vừa tăng quyền tự chủ cho nhà trường, vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh - được nộp hồ sơ vào tất cả các trường mà mức điểm đạt được phù hợp với điều kiện xét tuyển của nhà trường.

Tuy nhiên, ông Ga thừa nhận phương án này tất yếu sẽ dẫn đến tỉ lệ ảo lớn hơn nhiều so với các năm. Vì thế, bộ sẽ cùng các trường bàn giải pháp kỹ thuật để có thể “sống chung” với tỉ lệ ảo, khi không còn giới hạn số nguyện vọng.

Không phát hiện lạm thu đầu năm học

VOV.VN đưa tin, trước câu hỏi của phóng viên về “Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân” tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan; nạn “lạm thu” đầu năm học mới vẫn tái diễn khiến dư luận bức xúc. Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học cho biết, mặc dù Bộ GD-ĐT đã ra nhiều văn bản quy định, chấn chỉnh vấn đề này, tuy nhiên vấn nạn “dạy thêm, học thêm” vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Theo ông Định, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trước đây, giáo viên dùng điểm số để gây áp lực, hoặc lý do này khác “buộc” học sinh phải học thêm; bên cạnh đó, tâm lý phụ huynh vẫn mong con mình “tiến nhanh hơn” nên bằng mọi cách cho con học thêm. Để chấn chấn chỉnh việc này, Thông tư 30 “không chấm điểm học sinh tiểu học” là một giải pháp hữu hiệu.

“Bộ đã có quy định cụ thể, song việc triển khai, giám sát, quản lý ở các địa phương còn có vấn đề nên tình trạng này chưa chấm dứt” – ông Định khẳng định.

Về tình trạng lạm thu núp bóng “tự nguyện”, ông Phạm Văn Định cho biết đã nhận được nhiều thông tin từ phụ huynh phản ánh và Bộ đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra nhưng… không thấy.

Ông Định nói: “Đúng là nếu có thì chúng tôi đã xử lý. Các Sở đã ban hành quy định thu đầu năm, nhất là Hà Nội, rất rõ ràng. Tuy nhiên, như phản ánh thì tình trạng này vẫn còn. Biện pháp là nhà trường phải công khai thu chi với phụ huynh, có dự toán, được phụ huynh đồng ý. Theo ghi nhận thì năm nay đã tiến bộ hơn”.

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ tài chính (Bộ GD-ĐT) cũng nhấn mạnh, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã liên tục có quy định chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong nhà trường. Tuy nhiên, việc thực hiện, đôn đốc tại địa phương chưa sâu sát, nhất là ở các thành phố lớn.

“Tới đây chúng tôi sẽ xem xét lại, nhất là điều lệ hội cha mẹ học sinh và Bộ đã có bộ phận thu thập thông tin về vấn đề này” – ông Quang nói thêm./.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp/ Gia đình Việt Nam