Theo như kế hoạch mà ngành giáo dục đặt ra cho “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020” là “đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, THCS là 95%”.

Cụ thể, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi năm học 2014 – 2015 ở cấp tiểu học là 98,69%, cấp THCS là 90,89%. Ở bậc Tiểu học, số liệu này đã tiệm cận với kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục, có thể đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020.

Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi năm học 2014 – 2015 ở cấp tiểu học là 98,69%. Ảnh Xuân Diệp.

Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi năm học 2014 – 2015 ở cấp tiểu học là 98,69%. Ảnh Xuân Diệp.

Đồng thời, tỷ lệ lưu ban và bỏ học có xu hướng giảm ở các cấp học, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền, các vùng có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn thì có tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn.

Trong cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ bỏ học ở cả 3 cấp học thấp nhất; tỷ lệ bỏ học cao nhất thuộc vê vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Số lượng trẻ khuyết tật đến trường tăng lên hằng năm, nhưng mục tiêu huy động 70% trẻ em khuyết tật đến trường trong chiến lược phát triển giáo dục có thể vẫn khó thực hiện được. Nhìn chung, học sinh khuyết tật trí tuệ được đánh giá là có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học trong lớp và cần có biện pháp giáo dục phù hợp với nhóm học sinh này.

Đối với tiếp cận giáo dục của học sinh dân tộc thiểu số, có thể thấy tỷ lệ nhập học chung của trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) cấp tiểu học không khác biệt lắm so với trẻ em dân tộc Kinh.

Tuy nhiên, ở cấp THCS, đặc biệt cấp THPT, tỷ lệ nhập học của trẻ em DTTS thấp hơn so với tỷ lệ này của trẻ em dân tộc Kinh.

Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi của trẻ em DTTS cũng có sự chênh lệch khá lớn so với của trẻ em dân tộc Kinh ở cấp THCS và THPT.

“Điều này cho thấy, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với việc huy động trẻ em DTTS, đặc biệt là dân tộc Khơ me và H’Mông”, báo cáo báo cáo kết quả phân tích ngành giáo dục nhận định.

Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng gặp phải những rào cản như: Sự di dân nông thôn – thành thị và di chuyển lực lượng lao động trẻ đến các khu công nghiệp; lao động sớm, lao động trẻ em; sự thiếu quan tâm, kiểm tra, giám sát việc học tập của con cái của cha mẹ học sinh; ngôn ngữ và sự hiểu biết của cha mẹ học sinh người DTTS; tình trạng nghèo đói, kinh tế khó khăn.

Quy mô trường lớp chưa đáp ứng so với nhu cầu của học sinh trên một số địa bàn, đặc biệt ở các khu công nghiệp, đô thị; tình trạng biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt và tác động của thiên tai.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Đánh giá về báo cáo phân tích ngành giáo dục phổ thônggiai đoạn 2011 – 2015", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011 – 2015, tập trung vào giáo dục phổ thông được thực hiện nhằm cung cấp kịp thời các minh chứng hỗ trợ Bộ GD-ĐT sơ kết thực hiện giai đoạn 1 (2011-2015) của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2015. Trên cơ sở đó, rút ra những khuyến nghị điều chỉnh mục tiêu và các giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo của chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”.

“Do nguồn lực và thời gian thực hiện có hạn, việc phân tích ngành chỉ giới hạn trong phạm vi phân tích giáo dục phổ thông với 3 nội dung chính là: Tiếp cận giáo dục, kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực và vấn đề đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2011 – 2015”, thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh thêm.

Cũng tại buổi diễn đàn, Thứ trưởng Nghĩa cũng đưa ra một số khuyến nghị như:

Tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, đặc biệt là cho các đối tượng thiệt thòi, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo... thông qua tăng cường cơ sở vật chất nhà trường, đa đạng hóa các hình thức giáo dục và khuyến khích sự tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục từ các thể chế ngoài nhà nước.

Đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó chú trọng đặc biệt tới đổi mới chương trình sao cho giáo dục phù hợp với nhu cầu thị trường và đẩy mạnh phân luồng và hướng nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bô quản lý giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Đổi mới quản lý giáo dục, đặc biệt đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong phát triển giáo dục.

Theo congly.vn