Theo Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Cách đây 10 năm (năm 2009), Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng, sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) cho thấy hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Tỷ lệ hàng Việt chiếm phần lớn tại hệ thống siêu thị trong nước

Hàng Việt hiện chiếm tỉ lệ lớn tại các siêu thị trong nước.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD).

Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%...).

Về phía các DN, thực hiện cam kết với người tiêu dùng, các DN sản xuất trong nước luôn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Để bảo vệ và giữ uy tín của DN, các DN đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng và sở hữu thương hiệu sản phẩm.

Các DN Việt Nam đã được vinh danh, trao giải thưởng về sản phẩm, thương hiệu do các Bộ, ngành và các địa phương trao đã không ngừng nâng cao tiêu chí về sản xuất, chất lượng dịch vụ để giữ thương hiệu Việt. Từ hưởng ứng CVĐ, doanh nghiệp Việt đã vươn lên và khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước và quốc tế .

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sau 10 năm triển khai, CVĐ đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ DN đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.

Để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; Tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch…; Triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận có 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến CVĐ. Trong đó, “Rất quan tâm” là 53% và “Quan tâm có mức độ” là 35%; số người “ít quan tâm” hoặc “không biết có Cuộc vận động này” chiếm tỷ lệ thấp 12%. So với kết quả điều tra các năm 2010 thì tỷ lệ “rất quan tâm” đến Cuộc vận động ở thời điểm năm 2019 tăng 5% (từ 48% lên 53%); Tuy nhiên, so với kết quả năm 2014, tỷ lệ “rất quan tâm” của người dân đối với Cuộc vận động lại giảm 8% (năm 2014 là 61%).

67% người được hỏi cho rằng, kể từ khi có CVĐ, bản thân họ đã “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 52% cho rằng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; 36% cho rằng “Trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam”. So sánh kết quả điều tra năm 2019 với các năm 2010 và 2014, có thể thấy sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%).

Nguồn: https://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/ty-le-hang-viet-chiem-phan-lon-tai-he-thong-sieu-thi-trong-nuoc-307984.html

Theo congly.vn