Theo báo cáo mới đây nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2015, tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến bay của các hàng không trong nước chiếm từ 15-18%, giảm mạnh so với con số của năm 2014. 

Cụ thể, giai đoạn cao điểm của tình trạng này là trong tháng 7, 8 - đúng mùa du lịch. Tỷ lệ chậm, hủy chuyến trong thời gian này tăng lên tới 22%. Trong đó, 90% là do máy bay trễ giờ và do thời tiết, 5% là do lỗi kỹ thuật. 

Theo đại diện của Vietnam Arlines, tổng số tiền phải bồi thường cho hành khách bị từ chối vận chuyển, hành khách có chuyến bay chậm kéo dài và hành khách bị hủy chuyến từ tháng 7 đến cuối tháng 11/2015 lên tới hơn 6,2 tỉ đồng. Trong khi đó, con số này của Vietjet Air là 3,8 tỉ đồng.

Theo các hãng hàng không thì phần lớn lý do khiến cho tình trạng chậm chuyến, trễ giờ diễn ra là do hạ tầng một số sân bay đang quá tải như Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Trong khi các hãng hàng không nội địa đều gia tăng mở các đường bay mới, mua sắm thêm tàu bay… các hãng hàng không nước ngoài cũng tăng tần suất bay, mở các đường bay đến Việt Nam.

Trước đó, trong báo cáo 10 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 370 nghìn lần hạ cất cánh tăng 19,9%, 51,8 triệu lượt hành khách tăng 23,4% và 795 nghìn tấn hàng hóa tăng 9% so cùng kỳ 2014.

Thị phần trong năm 2015 đã có sự chuyển dịch

Đối với thị trường hàng không nội địa, thị phần vận chuyển, đặc biệt là đối với vận chuyển hành khách, đã có sự chuyển biến lớn thông qua việc thị phần của các hãng đã có sự thay đổi lớn:

  • Vietnam Airlines 47,6%
  • Jetstar Pacific Airlines 14,9%
  • VietJet Air 35,7%

Năm 2014 lần lượt là: VNA 56,6%, JPA 13%, VJA 28,8%

Theo Tô Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam