NHNN đã cắt giảm 100 thủ tục hành chính, đơn giản hoá 80/257 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng. (Ảnh TL)

NHNN đã cắt giảm 100 thủ tục hành chính, đơn giản hoá 80/257 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng. (Ảnh TL)

Ngày 16/5 tại TPHCM, đã diễn ra hội thảo “Cải cách hành chính ngành Ngân hàng: Doanh nghiêp và người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng”. Tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, mục tiêu cải cách hành chính của ngành ngân hàng luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, do đó việc cải cách phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.

Trong đó, bao gồm minh bạch hoá các thông tin liên quan đến các dịch vụ ngân hàng nhằm tránh tiêu cực; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các dịch vụ ngân hàng để giảm thiểu chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ đảm bảo nguyên tắc thị trường để người dân và doanh nghiệp có lợi nhất trong việc tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng.

Theo đó, trong ba năm liên tiếp từ 2015-2017, NHNN dẫn đầu các bộ ngành về chỉ số cải cách hàng chính, kết quả năm 2018 dù chưa được công bố song ông Tú tin tưởng NHNN vẫn sẽ đạt được kết quả cao. Bên cạnh đó, chỉ số tiếp cận tín dụng cũng ngày càng cải thiện. Theo Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ, đến năm 2020 ngành ngân hàng phải đưa chỉ số tiếp cận tín dụng vào nhóm 30 nước hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam đã về đích trước hai năm với vị trí 29/190 vào năm 2018.

Ông Tú cũng chia sẻ cũng kết quả cụ thể về cải cách thủ tục hành chính của ngành ngân hàng. Cụ thể, NHNN đã cắt giảm 100 thủ tục hành chính, đơn giản hoá 80/257 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, hoàn thiện hành lang pháp lý lĩnh vực ngân hàng.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện đơn giản hoá quy trình cho vay, cải tiến mô hình giao dịch 1 cửa, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ từ 20-50%, rà soát giảm chi phí hoạt động thông qua ứng dụng công nghệ, công khai quy trình cung cấp dịch vụ và lãi suất.

Bà Võ Thị Tuyết Nga, Phó tổng giám đốc Nam A Bank, cho biết trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, Nam A Bank đã triển khai cơ chế thúc đẩy và trao quyền cho nhân viên ngân hàng tham gia vào quá trình ra quyết định khi tương tác nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Bởi ngân hàng có cơ chế hoạt động đặc thù được điều chỉnh bởi luật các tổ chức tín dụng và sự giám sát chặt chẽ của NHNN, nên các ngân hàng vừa phải tuân thủ quy định vừa linh hoạt điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh, thời gian tới, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa. Theo đó, Phó thống đốc chỉ đạo các ngân hàng khẩn trương đầu tư, ứng dụng công nghệ, số hoá hoạt động và dịch vụ ngân hàng, đưa ra các sản phẩm tiện ích đa dạng và đề xuất, tham mưu cho NHNN nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.

Về phía NHNN cũng sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế thể lệ, tạo điều kiện mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.

Ông Tú cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc cải cách ngành ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống trong hoạt động tín dụng và tuân thủ các quy định nhằm ngăn chặn nợ xấu tăng cao trở lại.

Theo congluan.vn