Ngày 15/11, tại phiên tranh luận tại phiên làm việc của Quốc hội về dự luật Quản lý thuế, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề cập Unilever như một dẫn chứng cho việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại và xác định doanh nghiệp khai thiếu hàng trăm tỷ đồng. Theo ông Phớc, doanh nghiệp đã chấp nhận số liệu Kiểm toán Nhà nước đưa ra, nhưng đề nghị không phải nộp khoản phạt chậm nộp.

Tổng Kiểm toán Nhà nước đã phát công văn đề nghị Tổng Cục thuế tiến hành thu thuế và có biện pháp thu thuế đối với Unilever. Số thuế là 575 tỷ. Ngoài ra, doanh nghiệp có bị xử phạt chậm nộp hay không sẽ do cơ quan Thuế xem xét, căn cứ vào các quy định để đưa ra.

Unilever bị đề nghị truy thu gần 600 tỷ đồng.

Unilever bị đề nghị truy thu gần 600 tỷ đồng thuế.

Sau đó, Unilever đã có văn bản phản hồi thông tin về vụ việc. Cụ thể, ông Trần Vũ Hoài - Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết, về vấn đề thuế liên quan đến doanh nghiệp là vấn đề vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp cho đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013 nên có sự khác nhau trong luật Thuế đầu tư và luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trước giai đoạn 2014.

Chính sự khác biệt này dẫn tới sự hiểu khác nhau và gây nên bất cập đối với việc thực hiện trong thực tế của doanh nghiệp và cơ quan hữu trách.

Theo ông Trần Vũ Hoài: “Vấn đề này đã được doanh nghiệp chúng tôi giải trình và kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước nhằm tìm ra giải pháp thỏa đáng cho doanh nghiệp trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng thông lệ và pháp luật quốc tế…

Chúng tôi mong vấn đề này sẽ được giải quyết thấu đáo, đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp và tuân thủ pháp luật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”.

Cũng liên quan đến vụ việc này, trao đổi trên báo VietNamNet, ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm Toán Nhà nước cho hay, vừa rồi Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế phải tiến hành việc thu thuế và có biện pháp thu thuế của Unilever với số tiền 575 tỷ đồng. Còn vấn đề có xử phạt chậm nộp hay không thì do cơ quan thuế căn cứ quy định luật pháp để định ra mức phạt theo thẩm quyền.

Cũng theo Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, sau những kết luận kiểm toán hoặc thanh tra thuế, gần như doanh nghiệp nào cũng đưa ra các lý do để tránh phải nộp ngân sách. Họ đưa ra lý lẽ cho rằng mình làm đúng nhưng không cung cấp được chứng cứ.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết thêm, “Chúng tôi nói Unilever có bằng chứng gì để chứng minh cho Kiểm toán Nhà nước về nghĩa vụ thuế họ được miễn trừ, nhưng họ không chứng minh được. Unilever thuê một công ty tư vấn thuế. Khi chúng tôi nhiều lần mời làm việc, họ đều đề nghị không phạt chậm nộp”.

 

Theo Khánh Vy (tổng hợp)/Đô Thị Mới