“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”

Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam (PNVN) đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của PNVN nói riêng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận xét: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người viết: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì mới biết xã hội tiến bộ như thế nào.

Ngay cả khi đang bôn ba nơi đất khách, quê người để tìm đường cứu nước, Bác vẫn luôn nhận thấy để cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi không thể thiếu sự tham gia của phụ nữ: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.

Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp PNVN (20/10/1966), Người nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”

Quả thật, trong suốt lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, phụ nữ luôn có vai trò hết sức quan trọng. Song chưa có thời kỳ nào hoạt động quân sự của phụ nữ lại sôi nổi, mạnh mẽ như trong kháng  chiến chống Mỹ. Lực lượng phụ nữ, chiếm vị trí quan trọng trong các lực lượng dân quân, du kích ở các xã ấp. Tính đến năm 1961, toàn miền Nam đã có 28.000 nữ du kích. Không những thế, họ còn tham gia quân chủ lực và là lực lượng đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng phong trào làng xã chiến đấu. Tính từ năm 1961 đến 1965, toàn Miền Nam có 1.860 000 phụ tham gia phong trào này.

Cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn của thời kỳ quá độ lên CNXH ở một nước nông nghiệp lạc hậu vốn là phong kiến nửa thuộc địa, PNVN đã hăng hái tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “5 tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ  miền Bắc… Hàng triệu phụ nữ tham gia phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Nhiều phụ nữ được tuyên dương anh hùng, hàng trăm phụ nữ được Bác Hồ thưởng huy hiệu, hàng vạn phụ nữ trở thành cán bộ chuyên môn các bộ, ngành và cán bộ lãnh đạo.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2016), PNVN lại tiếp tục đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nhận thức của phụ nữ trên mọi lĩnh vực được nâng cao, đời sống kinh tế - xã hội nói chung, của PNVN nói riêng được cải thiện rất nhiều.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo cơ hội để phụ nữ được học tập, nâng cao trình độ, năng lực, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Ba đảm đang”

Tuy nhiên, sự tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, định kiến giới, sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... vẫn đang là những rào cản, thách thức lớn mà phụ nữ đang phải đối mặt. Để góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, trong những năm qua, với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPNVN đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy truyền thống và vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về những vấn đề liên quan mật thiết đến phụ nữ, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, nghệ thuật làm vợ, làm mẹ, kiến thức về giới; thành lập các mô hình câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”... giúp chị em phát huy tính tự trọng, tự chủ, làm tốt vai trò chăm lo vun đắp hạnh phúc gia đình và quan tâm đến cộng đồng, xã hội.

Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được các cấp Hội triển khai với quy trình và các nhóm giải pháp cụ thể, phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo và sự đóng góp rõ nét của phụ nữ bằng những công trình cụ thể, phần việc thiết thực, qua đó nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt của phụ nữ.

Để góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trên lĩnh vực kinh tế, các cấp Hội đã triển khai có hiệu quả các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo”, “Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi”, tập trung khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay, phối hợp để mở các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, kiến thức khởi sự doanh nghiệp và tổ chức dạy nghề tạo điều kiện cho phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Qua đó, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội các cấp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý... đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.

Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trong xã hội

Đặc biệt các cấp Hội đang tập trung triển khai đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” gắn với việc triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội phát động. Đây là cuộc vận động lớn có ý nghĩa sâu sắc đối với phụ nữ. Bởi lẽ địa phương nào thực hiện tốt cuộc vận động này thì vai trò của phụ nữ trong gia đình được phát huy và sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.

Khẳng định vị trí trong xã hội

Tiếp nối truyền thống, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động; những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, phụ nữ cũng làm rất tốt.

Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 26,8%, tăng 2,71% so với khóa XIII. Có 25 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Về tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tăng hơn so với nhiệm kỳ trước: Cấp tỉnh đạt 26,46%, tăng 1,29%; cấp huyện đạt 27,51%, tăng 2,89%; cấp xã đạt 26,70%, tăng 4,99%.

Có được kết quả trên ngoài sự nỗ lực phấn đấu của ứng cử viên, còn có sự vào cuộc quyết liệt của Hội Liên hiệp PNVN và của các cơ quan hữu quan thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức tọa đàm, tập huấn nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp. Không chỉ tăng về số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt cũng tăng như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong lĩnh vực kinh doanh, kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp mới, số doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng tăng lên. Theo số liệu nghiên cứu của Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HAWASME), hiện nay, có khoảng 24,8% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý (riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý). Các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu lao động, trong đó, có 0,75 triệu lao động nữ; nộp ngân sách 61,8 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản 3.858 nghìn tỷ đồng. Nghiên cứu cũng cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý ở Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, có thiên hướng sử dụng nhiều lao động nữ hơn và tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng nhanh hơn so với nam giới.

Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết; tỷ lệ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ là 33,95% và tiến sĩ là 25,69%. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đều tăng. Điểm nổi bật của phụ nữ là, dù ở cương vị công tác nào, chị em cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn về bản thân, gia đình, không ngừng phấn đấu, vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hiện nay, hệ thống các ban vì sự tiến bộ của phụ nữ được thành lập ở 45 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Mạng lưới tư vấn về giới hoạt động hiệu quả. Hệ thống pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ được tăng cường. Những thành tích đáng ghi nhận trên đủ để nói rằng, Đảng, Nhà nước ta đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, PNVN sẽ có một vị trí xứng đáng ở trong nước và trên trường quốc tế.

Theo Công lý