Những ngày lễ, Tết, thiếu đi tiếng cồng chiêng là coi như thiếu đi nét đặc sắc riêng nơi đây.

Người nặng lòng với văn hóa cồng chiêng

Là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, nơi đây gồm 3 dân tộc cùng chung sống là Kinh, Thái và Thổ, Nghĩa Đàn tự hào có một đời sống văn hóa phong phú, trong đó có văn hóa cồng chiêng của người Thổ.

Với gần 8% đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét đẹp tinh hoa trong văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng, là nơi họ gửi gắm những tâm tư tình cảm, vì vậy cồng chiêng gắn bó mật thiết trong cuộc sống tâm linh của đồng bào Thổ. Mỗi bản nhạc cồng chiêng được đánh lên lại biểu hiện cho một sự kiện quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của họ như lễ, tết.

Cứ vào các dịp lễ Tết, lễ mừng lúa mới hay lễ xuống đồng, bà con dân tộc Thổ lại mở hội cồng chiêng. Thường vào các ngày đầu năm của Tết âm lịch, bà con lại chọn làm ngày đẹp để tổ chức hội cồng chiêng với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ cái ăn, cái mặc, làng bản yên vui...

Văn hóa cồng chiêng trong đời sống của đồng bào Thổ

Những chiếc cồng chiêng luôn được ông Thái và vợ gìn giữ cẩn thận

Không khí lễ hội trở nên rộn ràng tươi vui khi tiếng cồng chiêng hòa lẫn với tiếng hát và tiếng hò reo cổ vũ cho những thành viên tham gia các trò chơi. Điều này thể hiện tính cộng đồng của cộng đồng dân tộc Thổ trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong các dịp lễ hội.

Về xã Nghĩa Mai hỏi ông Hoàng Văn Thái (SN 1950), không ai là không biết đến, bởi nhiều năm qua ông đã dày công sưu tầm, bảo tồn cồng chiêng nhằm lưu giữ loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ông Thái chia sẻ:Là người dân tộc Thổ, gia đình lại nhiều đời có niềm đam mê đặc biệt với cồng chiêng nên từ nhỏ, mỗi lần nghe ông nội rồi cha và những người trong làng, bản biểu diễn, tôi đã bị âm thanh trầm bổng ấy cuốn hút và mê đắm lúc nào không hay”.

Từng có 13 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên rồi chuyển về công tác tại UBND huyện Nghĩa Đàn. Năm 2010, ông Thái về hưu, lúc này ông cũng có nhiều thời gian hơn để đi sâu tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng đồng bào mình. Nhận thấy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có cồng chiêng ngày càng mai một. Thêm nữa, những bộ cồng chiêng quý giá của dân tộc mình trong xã ngày càng bị những lái buôn đồ cổ tìm đến lùng sục để mua và không ít gia đình đem bán với giá rẻ nên ông trăn trở vô cùng.

Ông Thái cho biết thêm: “Từ thời xa xưa, cồng chiêng là bản sắc riêng của người Thổ. Bà con đồng bào Thổ ở Nghĩa Mai. Cứ vào dịp lễ Tết, cưới hỏi, những ngày vui của cộng đồng, cồng chiêng là loại nhạc cụ không thể thiếu. Lúc ấy, bên dàn cồng chiêng hòa quyện từng tiếng trống, tiếng kèn, từng đôi nam nữ hát đối thâu đêm suốt sáng bên những ché rượu cần. Cũng nhờ tiếng cồng chiêng mà không ít đôi trai gái hát đối đã nên duyên vợ chồng”.

Ông Thái giới thiệu, cồng chiêng người Thổ mỗi bộ có 4 chiếc và được treo trên giá theo tứ tự từ nhỏ đến lớn, nhưng để sử dụng được cần phải đi kèm, kết hợp nhuần nhuyễn với trống và kèn cùng những điệu múa phụ họa. Tuy nhiên, cồng chiêng vẫn là nhạc cụ giữ vai trò điều phối nhịp, chuyển làn điệu trong suốt quá trình biểu diễn.

Bao năm qua, căn nhà của ông Thái trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người đam mê cồng chiêng trong và ngoài xã. Không kể ngày hay đêm, không kể mưa hay nắng, mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng bức, cứ vào dịp cuối tuần, mọi người lại tìm đến nhà ông Thái để chơi cồng chiêng và hát múa. Nhờ có tiếng cồng chiêng mà tình cảm gia đình, anh em, cũng như cộng đồng dân cư trở nên gắn kết, yêu thương nhau hơn.

Mong muốn lưu giữ cho đời sau

Ở tuổi về hưu, đáng ra ông được nghỉ ngơi an nhàn nhưng đó cũng là quãng thời gian ông bắt đầu công việc sưu tầm, bảo tồn văn hóa cồng chiêng người Thổ. Ông thường tìm đến những bản làng ở Nghĩa Mai và các xã khác ở Nghĩa Đàn, lên rẻo cao Qùy Châu, Quế Phong, thậm chí ra tận Thanh Hóa để tìm mua cồng chiêng.

Không chỉ tìm ở trong nước, có lần ông còn đi qua nước bạn Lào để tìm mua cho bằng được bộ cồng chiêng mà ông cảm thấy tâm đắc nhất. Không chỉ vậy, ông còn thuyết phục, vận động bà con lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Thổ, cũng như truyền lại cho thế hệ trẻ biết được những âm trầm âm bổng trong tiếng cồng chiêng vang.

Việc làm tâm huyết của ông Thái khiến không ít bản làng, xã nơi có đồng bào người Thổ sinh sống ở Nghĩa Đàn mấy năm trước “vắng bóng” tiếng cồng chiêng như làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa, làng Lơ ở xã Nghĩa Quang, rồi các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Yên giờ ít nhất đều đã có riêng một bộ. Riêng tại Nghĩa Mai ông cũng đã tìm mua được 5 bộ cho xã. Và mỗi độ Tết đến xuân về, dịp hội hè, cưới hỏi, bà con nơi đây lại được hòa mình trong không khí rộn ràng của tiếng cồng chiêng.

Điều ông trăn trở nhất hiện nay, đó là cả xã Nghĩa Mai chỉ còn khoảng 10 người biết chơi cồng chiêng. Giới trẻ bây giờ dù có nhiều điều kiện để học tập, tiếp thu với cồng chiêng nhưng không còn hào hứng với nết văn hóa riêng này nữa. Sợ rằng nếu không được quan tâm, lưu giữ kịp thời thì một ngày không xa, cồng chiêng người Thổ sẽ bị chìm vào quên lãng và chẳng còn nữa.

Theo congly.vn