Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc ITPC cho biết: “TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nên nhu cầu đầu tư và xây dựng ngày càng tăng, đòi hỏi phát triển đô thị phải theo hướng bền vững thân thiện môi trường. Do đó, việc phát triển các loại VLXD mới, thân thiện môi trường phù hợp đặc thù thành phố, gắn với phát triển đô thị bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng cấp thiết”.

Toàn cảnh Hội thảo Phát triển thị trường VLXD mới, thân thiện với môi trường.

“Với nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành xây dựng, sản xuất VLXD trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thời gian tới, ITPC sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm ngành VLXD như: Tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá sản phẩm chuyên ngành trong nước và khu vực, tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tham quan công nghệ và sản phẩm mới tại một số nước nhằm học tập công nghệ mới, khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm VLXD theo hướng xanh, thân thiện môi trường”, ông Hòa cho biết thêm.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết: “Thị trường tiêu thụ VLXD cả nước năm 2018 tiếp tục có sự phát triển tốt, bình quân tăng trưởng từ 8-12%, sản phẩm làm ra gần như tiêu thụ hết. Các nhà máy đều tiêu thụ đạt mức trung bình từ 90 - 95% công suất, đặc biệt trong xuất khẩu có những sản phẩm sản lượng xuất khẩu đạt 30%. Tất cả các chủng loại VLXD chủ yếu cơ bản đã thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước. Đồng thời, một số sản phẩm VLXD đã tham gia vào thị trường xuất khẩu”.

Công nhân đang thi công tấm tường bê tông đúc sẵn Eurowall

Theo ông Bắc: “Trong năm qua các sản phẩm VLXD có sức tiêu thụ tốt chủ yếu tập trung tại những doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, cho ra những sản phẩm chất lượng cao, ổn định, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Ngược lại, những đây chuyền thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nguyên liệu giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp khó cạnh tranh trên thị trường. Một số sản phẩm tiêu thụ tốt trong năm 2018 là xi măng 95 triệu tấn, gạch ốp lát đạt 705 triệu m2, gạch không nung 7,1 tỷ viên”.

Xu hướng phát triển

Hiện nay, ngành VLXD đã sản xuất được một số sản phẩm thông minh như: Xốp cách nhiệt, tấm lợp sinh thái, gạch bê tông nhẹ, xi măng xanh, gạch ốp lát tái chế... Đây là những sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Nói về kế hoạch định hướng phát triển VLXD năm 2019, ông Bắc cho biết: “Năm 2019 là năm bản lề hoàn thành kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 - 2020 để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước, ngoài đáp ứng nhu cầu VLXD ngày một nhiều, chất lượng cao thì yếu tố thẩm mỹ cũng ngày càng được chú trọng”.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Ngọc Thanh – Trưởng phòng VLXD Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Ngoài các loại VLXD thông thường hiện nay trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, xu hướng nghiên cứu sản xuất và sử dụng một số vật liệu mới như các loại vật liệu nhẹ cách âm, cách nhiệt có độ bền cao; vật liệu chất dẻo Nano, vật liệu bằng kim loại hoặc hợp kim có khả năng chống cháy; Sơn sinh học có nhiều công năng không độc hại; gạch lát có kích thước lớn hoa văn gần với các loại đá thiên nhiên... Đối với ngành VLXD TP Hồ Chí Minh cũng có một số chủng loại là thế mạnh như: Sản xuất xi măng, tấm lợp, tấm thạch cao, bê tông… Dự báo từ nay đến năm 2020 nhu cầu vật liệu của thành phố và một số tỉnh thành lân cận tăng nhanh về khối lượng, đa dạng phong phú về chủng loại, đáp ứng cho nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế xã hội”.

Cao Cường

Theo baoxaydung.com.vn