-Thưa ông, các công ty tài chính hiện nay thường cho vay đối với những khoản vay nào?

Thông thường, CTTC cho vay để mua sắm những tài sản cá nhân có giá trị như đồ điện tử, đồ gia dụng hoặc tài sản có giá trị lớn như ôtô, xe máy... Ngoài ra, các CTTC còn mở rộng dịch vụ cho vay để đi du lịch trong ngoài nước, thanh toán học phí, viện phí...

Tóm lại, CTTC cho vay đối với các nhu cầu mang tính bất thường mà người đi vay chưa chuẩn bị kịp về tài chính; để sở hữu những tài sản có giá trị tương đối lớn người có nhu cầu vay muốn có dưới dạng trả góp; một số hãng sản xuất, nhà bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có giá trị lớn có thể liên kết với CTTC, tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận dịch vụ với điều kiện cho vay ưu đãi.

- Đối tượng khách hàng nào được coi là nhóm khách hàng tiềm năng của các CTTC?

Khách hàng tiềm năng nhất là những người có nhu cầu vay tiêu dùng. Để thực thi nhu cầu đó thông qua các CTTC, họ phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định: Chứng minh được thu nhập ổn định để có thể trả được vốn vay; tạo được niềm tin nhất định đối với bên cho vay về sử dụng vốn vay đúng mục đích; và điều kiện thứ ba là lịch sử tài chính của người đi vay (trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ vỡ nợ, chưa có “vết tích” gì với các tổ chức cho vay...).

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, thủ tục cho vay của các công ty tài chính (CTTC) đơn giản hơn rất nhiều so với thủ tục của các ngân hàng thương mại.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, thủ tục cho vay của các công ty tài chính (CTTC) đơn giản hơn rất nhiều so với thủ tục của các ngân hàng thương mại.

- Được biết, các CTTC thường nhắm đến nhóm khách hàng "dưới chuẩn". Vậy theo ông làm sao để khách hàng có thể tự xác định được mình thuộc đối tượng "trên chuẩn" hay "dưới chuẩn"?

“Trên chuẩn” hay dưới chuẩn liên quan đến ba điều kiện mà tôi vừa đề cập ở trên. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có tiêu chí về “chuẩn”, nên chưa thể nói là các CTTC thường nhắm đến đối tượng “dưới chuẩn’.

Khái niệm “dưới chuẩn” bắt nguồn từ Mỹ, theo đó “dưới chuẩn” là những người đã từng vỡ nợ hay không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cho vay trong điều kiện bình thường, tuy vậy các định chế tài chính vẫn cho vay do có nguồn tín dụng dồi dào, kể cả cho vay mua bất động sản dùng để đầu tư chứ không phải để sử dụng. Vì vậy, điều này, đã tạo ra khủng hoảng cho vay dưới chuẩn những năm 2007-2008 tại Mỹ.

Còn ở Việt Nam, chưa thể khẳng định là các CTTC nhắm vào nhóm khách hàng “dưới chuẩn”, mà các CTTC đang trong thời kỳ tìm cách mở rộng đối tượng cho vay, nên các điều kiện như đã đề cập có thể đặt ra chưa thực sự khắt khe.

-Vậy những đối tượng khách hàng nào sẽ không qua được "cửa" xét cho vay của CTTC?

Thứ nhất, là khách hàng mà CTTC biết rõ là đã từng không thanh toán được nợ. Nói cách khác là khách hàng có lịch sử đi vay quá xấu. Thứ hai, là khách hàng đã từng lừa dối một tổ chức tín dụng nào đó trong quá trình xác thực về nguồn thu nhập hay sử dụng vốn vay quá sai mục đích. Thứ ba, khoản vay được sử dụng vào mục đích vô lý hay phi đạo đức.

-Ông đánh giá ra sao về thủ tục cho vay của các CTTC so với thủ tục cho vay của các ngân hàng thương mại?

Có thể khẳng định, thủ tục cho vay của các CTTC đơn giản hơn rất nhiều so với thủ tục của các ngân hàng thương mại. Trước hết, hầu như không có điều kiện về thế chấp. Thứ hai, nội dung và các điều kiện của hợp đồng cho vay rất đơn giản. Thứ ba, thời gian thẩm định và giải ngân rất ngắn. Thứ tư, thời gian đáo hạn và lộ trình trả gốc cũng như lãi rất linh hoạt. Thứ năm, những ràng buộc hay chế tài liên quan tới nghĩa vụ trả nợ đơn giản hơn nhiều và chủ yếu dựa trên thỏa thuận giữa hai bên mà không nặng về xử lý qua tòa án như đối với cho vay từ ngân hàng.

-Theo ông, khách hàng nên lựa chọn phương thức vay tiêu dùng nào thì có lợi?

Lợi thế của phương thức vay tiêu dùng phụ thuộc vào khả năng quản lý tài chính của mỗi cá nhân cũng như khả năng lựa chọn nơi vay tiêu dùng và các điều kiện đi kèm. Theo đó, mỗi cá nhân trước khi quyết định vay tiêu dùng cần xác định vay tiêu dùng chỉ là một trong những biện pháp chứ không phải là biện pháp duy nhất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mình trong điều kiện tài chính cụ thể hiện tại và khả năng trong tương lai./.

Theo Nguyễn Quân (thực hiện) / Gia đình Việt Nam